Probiotic và prebiotic đều có tác dụng tích cực đối với sức khỏe đường ruột nhưng nên tiêu thụ như thế nào để nhận được lợi ích tối đa?
Khi nói đến việc cải thiện sức khỏe đường ruột, bạn có thể được hướng dẫn tăng lượng men vi sinh (probiotic) hoặc vi khuẩn cư trú trong dạ dày và thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn có biết những thực phẩm nào giàu probiotic và prebiotic không?
Để hiểu được tầm quan trọng của cả prebiotic và probiotic, hãy tìm hiểu cách thức hoạt động cũng như sự khác biệt chính giữa prebiotic và probiotic.
1. Probiotic là gì và quan trọng đối với sức khỏe đường ruột thế nào?
TS.BS Hoàng Lê Phúc, BV Nhi Đồng 1 cho biết, probiotics (tạm dịch là các chất trợ sinh) theo định nghĩa là các vi khuẩn sống khi đưa vào cơ thể với số lượng đủ sẽ sinh ra các hiệu quả có lợi cho sức khỏe. Các chế phẩm probiotics ( trong dân gian thường gọi là men tiêu hoá) không phải là thuốc, mà được xếp vào nhóm chất bổ sung dinh dưỡng.
Probiotic hay còn gọi là men vi sinh là các vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột, điều chỉnh chức năng đường ruột và tiêu hóa... từ đó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể.
Các vi khuẩn sống cộng sinh trong cơ thể đặc biệt là ở ruột đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Đây là một trong những loại vi khuẩn thiết yếu nhất trong đường ruột, giúp cho con người có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu cho rằng probiotic có thể giúp giảm dung nạp lactose. Chúng cũng có thể giúp ổn định hệ hóa, cải thiện đường ruột sau tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác.
Probiotic giúp bảo vệ cơ thể, dừng lại sự nhân lên và cư trú của mầm bệnh, giữ vai trò chính hoạt hóa, phát triển hệ miễn dịch; kích thích sự phát triển của niêm mạc ruột, hệ tế bào miễn dịch tại chỗ của ruột và của toàn bộ cơ thể.
Chuyên gia dinh dưỡng giải thích: Probiotic là vi khuẩn sống tốt cho hệ tiêu hóa và có thể giúp hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Chúng được tìm thấy tự nhiên trong một số sản phẩm từ sữa như sữa chua nuôi cấy sống, một số loại pho mát và thực phẩm lên men chứa nhiều men vi sinh như kim chi, miso, dưa cải bắp, kombucha.
Ngoài việc được tìm thấy trong các loại thực phẩm, probiotic có thể được bổ sung như một loại thuốc ở dạng viên nang, viên nén, dạng bột và dạng lỏng... Việc bổ sung bằng dùng thuốc tiện lợi nhưng cần được sự tư vấn của chuyên gia y tế.
Nghiên cứu về men vi sinh cho thấy những vi khuẩn này có thể giúp giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và giảm viêm mạn tính. Tình trạng viêm mạn tính có liên quan đến các bệnh làm giảm tuổi thọ như đái tháo đường, ung thư và bệnh tim.
2. Prebiotic là gì, tác động đến sức khỏe đường ruột ra sao?
Prebiotic là nguồn thức ăn cho probiotic. Nhờ có prebiotic mà các vi sinh vật hữu ích có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, do đó cải thiện hệ tiêu hóa. Prebiotic còn hỗ trợ khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, kích thích phát triển tế bào có lợi đối với đường ruột. Đặc biệt, prebiotic còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hạn chế tình trạng đường huyết tăng cao đột ngột.
Prebiotic tái tạo sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột (chống tại các vi khuẩn gây bệnh). Các vi khuẩn hữu ích sống trong đường ruột như bifidobacteria và lactobacilli có thể ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác, prebiotic đóng vai trò như một cái bẫy đối với vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên prebiotic chỉ tác động tích cực khi cơ thể đã có sẵn các vi sinh vật hữu ích, bản thân prebiotic không sản sinh ra các vi sinh vật này.
Prebiotic cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Chúng là những chất xơ mà cơ thể không tự tiêu hóa được, vì vậy chúng được các vi khuẩn tốt trong ruột tiêu thụ. Prebiotic phổ biến nhất là chất xơ được tìm thấy trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chuối, hành, tỏi, rễ rau diếp xoăn và măng tây. Ngoài ra, prebiotic còn có trong thực phẩm như atisô, bột yến mạch, rượu vang đỏ, mật ong và các loại đậu...
Prebiotics được tìm thấy chủ yếu từ những thực phẩm giàu carbohydrate, tiêu biểu là chất xơ hoặc các loại chứa nhiều tinh bột kháng. Về bản chất, những thực phẩm này khá khó tiêu hóa trong cơ thể, chúng thường nằm ở ruột già và trở thành nguồn dinh dưỡng dồi dào để lợi khuẩn phát triển. Một số nguồn bổ sung prebiotic được thêm vào dưới dạng thực phẩm bổ sung nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách tốt nhất là cung cấp prebiotic từ nguồn thực phẩm tự nhiên.
3. Có cần cả prebiotic và probiotic để có sức khỏe đường ruột tốt không?
Về bản chất, probiotic và prebiotic không có nhiệm vụ giống nhau. Chúng bổ trợ cho nhau, cùng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tiêu hóa trong cơ thể. Chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết prebiotic và probiotic có tác dụng song hành với nhau. Prebiotic khuyến khích sự phát triển bền vững của các vi khuẩn khỏe mạnh, giúp cho men vi sinh có hiệu quả hơn đối với sức khỏe đường ruột.
Bởi vì sức khỏe của đường ruột gắn liền với nhiều chức năng khác của cơ thể nên kết hợp prebiotic và probiotic với nhau rất quan trọng để chống lại chứng viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh. Để kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, cần bổ sung thêm probiotic cũng như prebiotic trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Cả probiotic và prebiotic đều quan trọng và bổ sung cùng nhau sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Cách dễ nhất đó là cung cấp lượng chất xơ cần thiết, thường xuyên ăn sữa chua, các thực phẩm lên men lành mạnh hoặc sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung probiotic. Bên cạnh đó, mọi người có thể nuôi dưỡng, phát triển quần thể lợi khuẩn trong đường ruột bằng cách bổ sung prebiotic - nguồn dinh dưỡng chính của probiotic.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc , để lợi khuẩn phát triển tốt trong đường ruột, ngoài bổ sung chất xơ - được coi là nguồn thức ăn của lợi khuẩn, có thể sử dụng những sản phẩm có chứa men tiêu hóa hay còn gọi là probiotic như sữa chua. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ góp phần giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng khả năng phòng bệnh.
Nguồn: suckhoedoisong