Nơi tưởng như an toàn trở thành 'quả bom lây nhiễm' ở Mỹ

ngày 27/03/2020

Dù không hề mong muốn nhưng bà Judie Shape vẫn được con gái, Lori Spencer, đưa vào trại dưỡng lão Life Care (thành phố Kirkland, bang Washington) vào ngày 26/2 - thời điểm loại virus chết người gây đại dịch Covid-19 đang lặng lẽ sinh sôi ở nơi đây.

Trước đó, từ 19-24/2, cơ sở này ghi nhận hai bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Sau khi tiến hành xét nghiệm, các nhân viên của Life Care đưa ra kết luận ban đầu là bị cúm. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, thông báo mới cho biết một trường hợp dương tính với chủng virus corona mới.

Lúc ấy, cô con gái Lori Spencer mới nhận ra “đã quá muộn. Tôi không thể đưa mẹ tôi ra ngoài nữa rồi. Bà bỗng nhiên trở thành tù nhân”.

Ở thời điểm này, các bộ xét nghiệm Covid-19 đang cực kỳ khan hiếm tại Mỹ nên trung tâm Life Care chỉ tiến hành xét nghiệm với những người có triệu chứng nhiễm bệnh thay vì xét nghiệm tất cả các thành viên sống tại đây. Bà Shape đành chịu cảnh “giam lỏng” và đợi thêm 10 ngày nữa để được xét nghiệm.

Cuộc sống của mẹ con bà Judie Shape sau khi bị "giam lỏng" tại trung tâm Life Care, Kirkland. Ảnh: Reuters

Ngày 15/3, bang Washington thông báo 29 trường hợp tử vong và hàng chục ca nhiễm do Covid-19 có liên quan tới Life Care.

Tốc độ lây lan nhanh chóng của virus tại cơ sở này khiến các trung tâm chăm sóc người cao tuổi khác phải lo lắng. Trên thực tế, hệ thống trại dưỡng lão ở Mỹ luôn đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như thiếu nguồn nhân lực và khan hiếm bộ dụng cụ xét nghiệm.

Đối tượng có nguy cơ nhiễm cao

Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra Covid-19 gây tỉ lệ tử vong cao hơn ở những người lớn tuổi và người có bệnh lý nền. Chính vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới đang “loay hoay” tìm cách bảo vệ cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Nhân viên khử trùng trung tâm Life Care, Kirkland hôm 17/3. Ảnh: Reuters.

Các nước châu Âu đang dành nhiều sự quan tâm cho hệ thống chăm sóc người cao tuổi. Ví dụ, Vương Quốc Anh hiện đã áp dụng lệnh cấm khách thăm viếng ở các trung tâm này đồng thời hạn chế nhóm đối tượng nói trên ra khỏi nhà.

Trong khi đó, miền Bắc nước Italy - tâm dịch lớn nhất sau Trung Quốc - chứng kiến dịch Covid-19 cắt giảm đáng kể dân số cao tuổi do nhóm này thường sinh sống trong các trung tâm công cộng hoặc khu vực đông dân cư.

Tại Mỹ - quốc gia có 1,7 triệu người dân ở nhóm cao tuổi, ngành điều dưỡng thất bại trong việc kiểm soát tốc độ lây lan của virus. Dữ liệu liên bang cho biết có tới 1,6 đến 3,8 triệu ca lây nhiễm nặng trong các cơ sở dưỡng lão mỗi năm, gây ra 380.000 ca tử vong.

Tổng thống Donald Trump cũng có động thái kêu gọi các cơ sở trên cấm khách thăm viếng trừ trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chính quyền ông Trump cam kết dồn hết nguồn lực để sớm sản xuất và phân phối đủ số lượng bộ xét nghiệm Covid-19.

Nơi tưởng như an toàn lại là nơi nguy hiểm nhất

Người đứng đầu Liên minh Cộng đồng Chăm sóc Dài hạn tại New York, ông Richard Mollot cho biết “trại dưỡng lão là nơi cực kỳ nguy hiểm do các cơ sở này từng nhiều lần làm không tốt công việc giữ an toàn cho người bệnh".

Trung tâm Life Care kể trên từng vi phạm quy định liên bang về phòng chống bệnh truyền nhiễm hồi tháng 4/2019, khiến 17 người mắc cúm. Dù Life Care đã tích cực sửa sai nhưng có vẻ như nỗ lực của họ là chưa đủ.

Trại dưỡng lão Life Care (thành phố Kirkland) thuộc mạng lưới rộng khắp toàn quốc của một tập đoàn lớn trong ngành điều dưỡng tại Mỹ. Đại diện doanh nghiệp Life Care Center of America Inc. tuần trước cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát tình trạng lây lan của virus corona.

Phát ngôn viên của đơn vị, Leigh Atherton, từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết về phản ứng đối với “ổ dịch Kirkland”.

Life Care chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sai phạm tương tự của ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Mỹ, Charlie Harrington, chuyên gia cùng ngành thuộc Đại học California, cho biết. Nhằm thúc đẩy lợi nhuận trước mắt, các trung tâm này thường không ngần ngại cắt giảm nhân sự.

Phát ngôn viên của tập đoàn Life Care thay mặt cơ sở Kirkland nói chuyện với giới truyền thông. Ảnh: Reuters.

Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Mỹ phản pháo rằng những lời chỉ trích như trên không giúp ích gì. Tuy nhiên, tổ chức này cũng thừa nhận khó khăn trong việc kiểm soát bệnh lây nhiễm ở nhiều cơ sở dưỡng lão là do thiếu vốn từ chính phủ và khan hiếm nhân sự trong ngành.

David Gifford, một quan chức cấp cao thuộc tổ chức cho biết: “Đại dịch đã cảnh tỉnh nước Mỹ cần cải thiện công tác phòng bệnh truyền nhiễm ở mọi nơi, bao gồm hệ thống viện dưỡng lão".


Nguồn: Báo Zing