Nhiều người đi tiêm vaccine hô hấp trước nghỉ lễ

ngày 28/04/2023

Nhiều người đến các trung tâm tiêm chủng của VNVC để tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu trước khi nghỉ lễ 30/4-1/5.

Ghi nhận tại Hệ thống tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, nhiều người dân đã đặt hẹn tiêm chủng ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4. Ví dụ tại trung tâm VNVC Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP HCM), từ sáng sớm ngày 26/4 số lượng ghế chờ tiêm và khám đã gần kín.

Ông Trần Văn Danh (70 tuổi, TP HCM) cho biết tranh thủ đi tiêm vaccine cúm và phế cầu khi trời còn mát mẻ. Mỗi năm ông đều tiêm vaccine này. Ông giải thích do bị hen suyễn, đái tháo đường đang phải điều trị định kỳ nên dễ mắc bệnh nặng hơn những người khác, phải tiêm đầy đủ vaccine để phòng ngừa. Gần đây, ông cũng được bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine bổ sung do số ca mắc Covid-19 tăng trở lại.

Gia đình chị Trương Thúy An (32 tuổi) cũng đến VNVC Vĩnh Lộc (Bình Chánh) để tiêm vaccine cúm, phế cầu và tiêm nhắc vaccine cho hai con nhỏ. Chị An cho biết có một bé sinh non nên phổi yếu, ho, khò khè mỗi khi thời tiết thay đổi. Do đó, gia đình muốn tiêm chủng sớm để chuẩn bị cho chuyến du lịch trong kỳ nghỉ lễ.

Nhiều người dân khác cũng cho biết kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày nên có kế hoạch du lịch hoặc về quê. Tuy nhiên, số ca Covid-19 tăng trở lại khiến họ lo lắng về nguy cơ lây bệnh, vì vậy đi tiêm chủng một số loại vaccine để bảo vệ sức khỏe trước các bệnh truyền nhiễm, yên tâm có kỳ nghỉ vui vẻ.

Theo BS CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, một số loại vaccine được yêu cầu nhiều như Prevenar 13 (Bỉ) phòng viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, Synflorix (Bỉ) phòng các bệnh do phế cầu cho trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra còn có vaccine thủy đậu, ho gà - bạch hầu - uốn ván, sởi - quai bị - rubella; Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vaccine Boostrix và Adacel ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván cũng giúp phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của bệnh.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Bệnh Truyền nhiễm TP HCM, cho biết hiện thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại virus (cúm, sởi), vi khuẩn (phế cầu) phát triển. Trời nóng nực cũng khiến người dân ngủ kém, giảm đề kháng, dễ bị nhiễm bệnh. Người dân tăng đi lại, du lịch vào dịp lễ cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan mạnh hơn. Bác sĩ Khanh khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng bệnh, thực hiện 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn, tiêm vaccine.

"Nếu chúng ta chủ động phòng bệnh bằng vaccine thì đến mùa dịch sẽ không còn bất an", BS Khanh nói.

BS Chính cho biết cần một khoảng thời gian nhất định để cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các yếu tố gây bệnh xâm nhập qua đường hô hấp, đường tiêu hóa... Vì vậy, mọi người nên tiêm vaccine sớm để bảo vệ bản thân và người thân trước các nguy cơ bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục thường xuyên để tăng miễn dịch. Người dân cần cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh và tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh; sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ nếu có bệnh nền.

Nguồn: VnExpress