Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của chứng nôn nghén khi mang thai

ngày 18/01/2022

Ốm nghén là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng buồn nôn và nôn vào bất kể thời điểm nào trong ngày khi mang thai. Trong một số trường hợp, thai phụ phải đối mặt với hội chứng ốm nghén nặng, điều này có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thai phụ?

Nguyên nhân chính xác của chứng ốm nghén vẫn chưa được biết rõ, nhưng có thể là do sự thay đổi nội tiết tố. Người ta ước tính rằng chứng ốm nghén thông thường xảy ra ở 80% phụ nữ mang thai.

Các triệu chứng của ốm nghén thường bao gồm buồn nôn và nôn. Một số phụ nữ thậm chí không nghi ngờ mình có thai cho đến khi đợt ốm nghén đầu tiên xuất hiện.

1. Chứng nôn - hiện tượng ốm nghén

Ốm nghén khi mang thai với đa số thai phụ không quá trầm trọng và thường chấm dứt sau 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, một số phụ nữ phải đối mặt với hội chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis gravidarum) gây buồn nôn và nôn nhiều khiến sụt cân khá nghiêm trọng khi mang thai. Nguyên nhân có thể là do nồng độ hormone tăng cao.

Nếu thai phụ bị ốm nghén nhẹ, có thể chỉ nôn một lần trong ngày và có thể kiểm soát được cảm giác buồn nôn và nôn. Nhưng nếu phát triển chứng nôn do Hyperemesis gravidarum, có thể nôn nhiều hơn ba hoặc bốn lần một ngày và cảm thấy buồn nôn gần như liên tục.

Tình trạng nôn mửa khi bị nôn trớ có thể trở nên tồi tệ đến mức một số phụ nữ mang thai bị sụt cân nhiều và có nguy cơ mất nước do không thể giữ được thức ăn và chất lỏng. Nếu nôn mửa nghiêm trọng, thai phụ này cũng có thể chóng mặt và choáng váng.

Các triệu chứng buồn nôn, nôn nghén nặng có xu hướng đạt đỉnh điểm qua tuần thứ 9 đến tuần thứ 13 và sau đó cải thiện. Vì vậy, các triệu chứng có thể thuyên giảm khi thai kỳ bước sang ba tháng giữa thai kỳ (tuần thứ 13 - 27).

2. Nôn do thực phẩm

Ăn các loại thực phẩm không được nấu chín cũng khiến thai phụ bị nôn.

Đây là nguyên nhân gây nôn khi mang thai mà một số bà bầu không ngờ tới. Mặc dù có thể dễ dàng quy bất kỳ loại buồn nôn và nôn nào là do ốm nghén, nhưng vấn đề thực sự có thể là do ăn thực phẩm bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn khi mang thai.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm, nhưng phụ nữ mang thai đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh vì mang thai làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Do đó cơ thể thai phụ sẽ khó chống lại vi khuẩn và vi trùng hơn.

Các triệu chứng do ngộ độc thực phẩm bao gồm những triệu chứng tương tự như ốm nghén, chẳng hạn như buồn nôn và nôn. Nhưng không giống như ốm nghén, bệnh do thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng khác như đau đầu, đau nhức cơ thể và thậm chí là sốt. Các triệu chứng này phát triển ngay sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn có thể trong vòng 24 đến 48 giờ.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là nấu chín hoàn toàn các loại thịt, cá. Ngoài ra, hãy cho thực phẩm vào tủ lạnh ngay sau khi nấu, rửa tất cả trái cây và rau quả, và tránh nước trái cây, trứng hoặc sữa chưa tiệt trùng. Các bệnh do thực phẩm gây ra như ngộ độc do salmonella và vi khuẩn listeria có thể gây đẻ non và thậm chí sảy thai.

3. Các yếu tố nguy cơ của chứng nôn khi mang thai

Mang thai đôi có thể khiến thai phụ tăng nguy cơ ốm nghén.

Mặc dù các hormone có thể là nguyên nhân gây ra chứng ốm nghén và chứng buồn nôn nhiều, nhưng một số yếu tố nhất định sẽ làm tăng nguy cơ ốm nghén trong thai kỳ như:

Thai phụ mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn.
Có tiền sử bản thân hoặc có người ruột thịt trong gia đình mắc chứng nôn khi mang thai.
Nhạy cảm với một số mùi hoặc vị.
Có tiền sử đau nửa đầu, say tàu xe.
Nguy cơ lớn nhất đối với bệnh do thực phẩm là ăn thức ăn sống, nấu chưa chín hoặc trái cây và rau chưa được rửa sạch.

Trong khi những điều trên là nguyên nhân phổ biến gây ra nôn mửa khi mang thai, các vấn đề khác cũng có thể phát sinh trong thai kỳ cũng có thể gây ra nôn, bao gồm tiền sản giật, sỏi mật, các vết loét, viêm ruột thừa, đau nửa đầu... Do đó, khi có những dấu hiệu nôn bất thường trong thai kỳ, thai phụ cần đi khám ngay để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn.

Những thay đổi trong hệ tiêu hóa khi mang thai có thể làm nặng hơn triệu chứng ốm nghén. Trong thời gian đầu mang thai, mức độ progesterone tăng lên đáng kể trong tử cung để hỗ trợ phôi thai phát triển. Mức progesterone trong dạ dày, ruột và thực quản cũng tăng lên gây ra chứng chậm tiêu hóa, làm tích tụ thức ăn trong dạ dày gây khó chịu, buồn nôn.

https://suckhoedoisong.vn/dinh-duong-...

4. Các biến chứng hoặc tác dụng phụ của nôn mửa khi mang thai

Ốm nghén liên tục khi mang thai rất khó chịu nhưng đa số thai phụ không có nguy cơ gặp phải những biến chứng lớn.

Nhưng nếu thai phụ bị nôn quá nhiều, dữ dội có thể dẫn đến mất nước hoặc giảm đi tiểu. Và nếu không thể bổ sung lượng nước, thai phụ có thể phải nhập viện và truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Tình trạng này cũng có thể gây ra tổn thương gan, thiếu hụt vitamin B và tăng cân kém ở thai nhi đang trong giai đoạn phát triển.

Cũng cần lưu ý rằng các kiểu nôn khác nhau có thể gây ra các vấn đề khác nhau. Vì vậy, mặc dù ốm nghén có thể không dẫn đến mất nước, nhưng chứng nôn hoặc bệnh do thực phẩm có thể gây ra, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nôn.

5. Điều trị nôn khi mang thai

Bấm huyệt cũng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn khi mang thai.

Điều trị nôn khi mang thai phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản, cũng như mức độ nghiêm trọng.

Trong trường hợp ốm nghén, thai phụ nên ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh suốt cả ngày như bánh quy giòn hoặc bánh mì nướng khô có thể làm giảm buồn nôn và nôn. Đối với một số phụ nữ, ốm nghén nặng hơn khi bụng đói.

Đôi khi, các liệu pháp thay thế, chẳng hạn như liệu pháp hương thơm, châm cứu và bấm huyệt cũng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn ở phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, có nhiều cách để giảm các triệu chứng bao gồm: nhấm nháp nước hoặc chút nước gừng, tránh một số loại thực phẩm và mùi mà thai phụ nhạy cảm, uống vitamin trước khi sinh, có thể sử dụng thuốc chống buồn nôn nếu được bác sĩ tư vấn.

Các phương pháp điều trị có thể làm giảm cường độ của chứng buồn nôn. Nhưng nếu tình trạng nôn nghiêm trọng, thai phụ có thể cần được truyền chất dinh dưỡng và chất lỏng qua đường tĩnh mạch trong bệnh viện.

Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để ngừng buồn nôn và nôn. Nếu những loại thuốc này không hiệu quả, thai phụ có thể cần điều trị bằng steroid. Luôn hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Nếu mắc bệnh do thực phẩm phải điều trị dứt điểm, thai phụ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong vòng vài ngày. Mục tiêu chính là thay thế chất lỏng bị mất và tránh mất nước. Ăn nhiều bữa nhỏ, uống nước hoặc đồ uống thể thao có thể giúp thai phụ cảm thấy dễ chịu hơn và ngăn ngừa mất nước. Trong một số trường hợp bị bệnh do vi khuẩn thực phẩm gây ra, thai phụ có thể cần dùng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ.

6. Khi nào cần gọi bác sĩ?

Phụ nữ mang thai không cần đến bác sĩ khi ốm nghén không nghiêm trọng. Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể đủ để đối phó với các triệu chứng.

Tuy nhiên, thai phụ nên gọi cho bác sĩ nếu bị nôn nhiều lần trong ngày và nếu gặp các triệu chứng khác như chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc nếu không thể giữ được chất lỏng.

Mặc dù nôn khi mang thai có thể khiến thai phụ khó chịu nhưng đây cũng là điều phổ biến và thường không có gì đáng lo ngại. Nó xảy ra trong nhiều trường hợp mang thai và không có nghĩa là thai phụ hoặc thai nhi có vấn đề. Nhưng nếu thai phụ có bất kỳ mối lo ngại nào hoặc cần được trấn an, đừng ngần ngại đến bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa hoặc gọi cho bác sĩ.

Bác sĩ Tuấn Anh

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//nguyen-nhan-va-cac-yeu-to-nguy-co-cua-chung-non-nghen-khi-mang-thai-169220116221552487.htm