Chân và tay là 2 bộ phận thường có nhiệt độ khá thấp. Chính vì thế, chúng rất dễ bị lạnh vào mùa đông và có thể khắc phục bằng cách mặc ấm. Đây là một hiện tượng khá bình thường và không đáng lo ngại, bởi phụ nữ vẫn thường hay mắc phải.
Lạnh chân tay vẫn hay diễn ra vào mùa đông, nhưng nếu trời nắng ấm mà vẫn lạnh thì phải cẩn thận bệnh tật.
Thế nhưng, trong một vài trường hợp, chân và tay của bạn luôn lạnh bất kể thời tiết dù đang nóng hay ôn hòa, nhất là lúc chỉ mới ngồi một chút thôi cũng lạnh cóng. Theo ông Hong Yuzhong – giám đốc Trung tâm quản lý sức khỏe Lian'an chia sẻ, tay và chân lạnh có liên quan mật thiết tới bệnh tim mạch. Quan trọng hơn, nó là triệu chứng đầu tiên của một số vấn đề sau:
1. Tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể suy yếu
Ông Hong cho biết, tay và chân của phụ nữ thường lạnh vì chúng có khối lượng cơ bắp ít hơn, do đó tỷ lệ trao đổi chất cũng thấp hơn so với phái nam. Ngoài ra, cứ đến ngày "đèn đỏ" thì phụ nữ còn bị thiếu máu nghiêm trọng. Tất cả những lý do trên đã ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của tay và chân, làm cho chúng thường xuyên lạnh cóng mà không rõ lý do.
2. Rối loạn dây thần kinh tự chủ
Tổn thương dây thần kinh tự chủ sẽ khiến cơ thể mất chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, từ đó gây lạnh tay chân bất kể thời tiết như thế nào.
Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh kiểm soát chức năng của cơ thể, gây ra nhiều vấn đề về huyết áp, tiêu hóa, chức năng bàng quang… Dây thần kinh tự chủ bao gồm dây thần kinh giao cảm, có chức năng kiểm soát sự co bóp và thư giãn của mạch máu, từ đó giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nếu bị rối loạn thì chức năng này cũng mất theo và khiến cho tay và chân lạnh liên tục.
3. Chức năng tim mạch kém
Theo Wu Xinjie – bác sĩ y khoa gia đình tại bệnh viện Renai tại Đài Bắc (Trung Quốc), lạnh tay chân cũng là tín hiệu cho thấy bạn đang mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường. Cụ thể, lúc này các mạch máu của tim đang bị tắc nghẽn nên sẽ làm lưu thông máu kém đi, dẫn đến một loạt vấn đề như tức ngực, đánh trống ngực, khó thở… Nếu nặng hơn thì còn ảnh hưởng đến thính giác và thị giác.
Cũng theo ông, nếu phát hiện sớm thì những vấn đề này hoàn toàn có thể chữa được, bởi đây là tình trạng không hiếm ở mọi lứa tuổi. Khi bị lạnh tay chân trong thời gian dài, bạn nên đến viện để làm một số xét nghiệm về huyết áp, lipid máu, đường huyết, siêu âm tim, siêu âm động mạch cảnh, đo điện tâm đồ… để kết quả chẩn đoán được chính xác hơn.
Học ngay 4 thủ thuật đơn giản để "chia tay" chứng lạnh tay chân
Chuyên gia dinh dưỡng Xu Jingyi hiện đang làm việc tại Trung tâm Lian'an chia sẻ, nếu loại trừ đi các yếu tố bệnh tật thì bạn có thể cải thiện chứng lạnh tay chân chỉ với những thủ thuật nhỏ, cụ thể là 4 điều sau:
- Ăn thực phẩm tăng khả năng trao đổi chất của cơ thể như ớt, hành tây và nghệ.
- Chọn những loại thực phẩm chứa nhiều sắt để cải thiện bệnh thiếu máu như rau xanh đậm, bông cải xanh, rong biển, rau dền đỏ, thịt vịt, thịt bò, nho, chà là đen, mè đen, đậu đỏ…
- Ăn thực phẩm giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn: Bông cải xanh, tiêu xanh, ổi, kiwi, trái cây họ cam.
- Tránh uống trà hoặc cà phê trong bữa ăn, tốt nhất chỉ nên uống sau 2 giờ vì axit tannic trong trà có khả năng ức chế sắt.