Nguyên nhân khiến phụ nữ bị đau lưng sau khi sinh

ngày 11/09/2020

Họ phải chấp nhận "sống chung với lũ" và không điều trị. Việc nắm rõ nguyên nhân gây nên hiện tượng này có thể giúp chị em thoát khỏi cảm giác khó chịu.

Nguyên nhân từ thói quen xấu

BSCKI Nguyễn Trọng Hùng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), nhận định: "Tình trạng đau lưng khá phổ biến ở phụ nữ sau thai kỳ. Nguyên nhân từ một số thói quen xấu và sự thay đổi của cơ thể trong quá trình mang thai".

Sự thay đổi trục cột sống: Cho con bú sai tư thế là yếu tố đầu tiên dẫn tới thay đổi trục cột sống và cảm giác đau lưng. Thông thường, tâm lý của các bà mẹ là tạo tư thế thuận lợi nhất cho con bú. Tuy nhiên, việc làm này vô tình ảnh hưởng tới tư thế của họ khi ngồi cong, vẹo gây gù cột sống.

Việc thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai cũng là tác nhân ảnh hưởng tới cột sống. "Hormone relaxin làm các khớp lỏng lẻo, giúp cơ thể phù hợp hơn với giai đoạn mang thai. Hormone này tiết ra khiến các khớp ngấm nước, mềm dẻo, hỗ trợ việc chuyển dạ. Tuy nhiên, chúng làm mất ổn định các khớp và khiến tư thế dễ sai lệch", bác sĩ Trọng Hùng giải thích.

Tư thế sai, tăng cân hay thay đổi hormone đều là những nguyên nhân gây đau lưng ở phụ nữ mang thai và sau sinh. Ảnh: Pregnancy Lovetoknow.

Tăng cân quá mức: Khung xương của người trưởng thành không thay đổi khi đến độ tuổi nhất định. Việc chúng phải nâng đỡ trọng lượng cơ thể quá lớn làm các khớp, xương bị quá tải, dẫn tới cảm giác đau kéo tại khớp xương.

Loãng xương do thiếu hụt canxi: Đây là vấn đề thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Theo bác sĩ khoa Phụ sản, đối tượng này cần lượng canxi lớn hơn bình thường để đảm bảo nhu cầu của bản thân và bổ sung chất này trong sữa.

Sinh mổ: Tỷ lệ người đau lưng sau khi sinh mổ cao hơn nếu áp dụng phương pháp vô cảm gây tê ngoài màng cứng. Một số trường hợp bị tổn thương dây chằng ở cột sống cũng gây đau phần thắt lưng sau khi mổ.

Làm việc quá sức hoặc kiêng cữ thiếu hợp lý: Nhiều phụ nữ mới sinh, cơ thể yếu nhưng phải đảm đương các công việc gia đình khiến họ có cảm giác đau mỏi. Ngược lại, một số bà mẹ kiêng quá mức do sợ ảnh hưởng tới cơ thể và nằm trên giường thời gian dài. Thói quen này cũng trực tiếp gây nhức, mỏi cơ.

Thay đổi trọng tâm cơ thể: Sự phát triển của thai nhi và tử cung khiến phần cơ bụng bị giãn, qua đó cột sống bị cong nhiều hơn về phía trước. Để giữ thăng bằng khi di chuyển, các bà bầu phải hơi ngả người về sau, khiến vùng cơ lưng dưới bị căng. Sự mất cân bằng này tiếp diễn trong thời gian dài (4-6 tháng) có thể ảnh hưởng tới dáng đi của phụ nữ sau sinh.

Tập luyện và thay đổi thói quen

Huấn luyện viên Phương Thủy (Hà Nội) khuyên các bà mẹ nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng ngay khi mang bầu. Sau sinh, chúng ta có thể kiểm soát lượng ăn nhưng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nhằm kết hợp giảm cân với tạo điều kiện phát triển cho trẻ.

Phụ nữ sau sinh cần điều chỉnh lại tư thế, qua đó hạn chế sự thay đổi trục cột sống. "Khi ngồi, các bà mẹ nên đặt một chiếc gối, đệm dưới lưng nhằm nâng đỡ cột sống. Mọi người cũng không nên nằm đệm quá mềm và ưu tiên dùng gối chuyên dụng cho bà bầu", huấn luyện viên này cho biết.

Bird dog là bài tập đơn giản nhưng rất hiệu quả để giải quyết tình trạng đau lưng. Ảnh: Verywell Fit.

Phụ nữ sau sinh cần tránh nâng vật quá nặng do sự thiếu hụt canxi khiến xương khớp không ổn định. Ngoài ra, việc thường xuyên massage, chườm nóng vùng lưng dưới sẽ hạn chế cảm giác đau, nhức do căng cơ.

Duy trì tập luyện thể dục nhẹ nhàng với các môn như yoga, pilates, gym cường độ trung bình... là những biện pháp tốt, có thể giải quyết triệt để tình trạng đau lưng.

Huấn luyện viên Phương Thủy gợi ý: "Một số bài tập giúp cải thiện tình trạng đau lưng các bà mẹ nên tìm hiểu và thực hành là Supine lower trunk rotation, Glute bridge, Cat and cow, Wall sit, Bird dog, Standard plank, Pigeon pose...".


Nguồn: Báo Zing