Lộc Hà đã 21 ngày không còn gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục

ngày 21/05/2021

Cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm một trong những con bê đầu tiên bị bệnh viêm da nổi cục ở xã Mai Phụ.

Vào đầu tháng 12/2020, hộ ông Đào Ngọc Thịnh ở thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ phát hiện con bê của gia đình bị sốt cao, chướng bụng, nổi nhiều cục sần và chỉ trong 2 tuần đã lây lan sang 14 con khác trong thôn.

Sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục, các cấp, ngành chuyên môn ở Lộc Hà đã gấp rút vào cuộc quyết liệt nên đến thời điểm này, tình hình đã cơ bản được khống chế.

Tiêm phòng sớm, đầy đủ, đúng quy trình là một trong những yếu tố giúp Lộc Hà khống chế tốt dịch viêm da nổi cục.

Đến nay, đã 21 ngày trôi qua, ở Lộc Hà không phát sinh thêm gia súc bị bệnh tại 2 hộ có vật nuôi bị nhiễm bệnh gần đây nhất là ông Phan Trọng Lục và Nguyễn Tiến Đờn, cùng ở thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ (ngày 29/4).

Công tác phun tiêu độc khử trùng, thành lập chốt chặn trên các vùng dịch hạn chế dịch bệnh lây lan.

Số gia súc bị bệnh trong vòng 30 ngày trở lại đây ở Lộc Hà chủ yếu là bê con mới sinh tại thời điểm triển khai tiêm phòng đại trà nên chưa thể tiêm phòng (theo khuyến cáo không tiêm cho những con dưới 3 tháng).

Chuồng trại chăn nuôi ở Lộc Hà được vệ sinh, phun khử trùng để diệt ký sinh trùng trung gian gây bệnh.

Có được kết quả khả quan này là nhờ các cấp, ngành ở Lộc Hà, nhất là ngành nông nghiệp đã tập trung vào cuộc đồng bộ và quyết liệt ngay từ khi dịch bệnh mới phát sinh. Trong đó, biện pháp mang tính cốt lõi nhất đã được thực hiện hiệu quả là tiêm phòng vắc-xin Lumpyvac sớm, đúng quy trình cho đàn gia súc. Với hơn 8 ngàn liều vắc-xin được tiêm, Lộc Hà chỉ còn khoảng vài trăm con chưa tiêm vì không đủ điều kiện (mới đẻ, đang bị bệnh, không đảm bảo các điều kiện khác).

Để đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm, Lộc Hà cũng đã tập trung làm tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh; quản lý tốt các hoạt động giết mổ, buôn bán gia súc đang bị bệnh; đàn vật nuôi được chăm sóc cẩn thận, chu đáo hơn…

Tất cả trâu, bò bị chết đều được tiêu hủy bằng cách đào sâu, chốt chặt tại các vị trí đã quy định và có sử dụng thêm vôi, hóa chất.

Ở Lộc Hà, nhiều địa phương trước đây từng là điểm “nóng” về dịch bệnh nhưng nay tình hình đã ổn định, dịch bệnh đã được khống chế tốt, thậm chí có những nơi đã hơn 1 tháng không có gia súc mắc bệnh như: Hộ Độ (ngày cuối cùng có bò mắc bệnh là 4/2), Phù Lưu (25/3), Thịnh Lộc (31/3), Bình An (10/4), Mai Phụ (12/4)... Để bảo vệ thành quả trong bối cảnh mới, tất cả các địa phương ở Lộc Hà đều đang quyết tâm ngăn không cho dịch bùng phát trở lại.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ khẳng định: “Trong đợt dịch vừa qua, xã có 63 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 13 con bị chết. Tuy nhiên, đã gần 40 ngày qua trên địa bàn không phát sinh thêm gia súc bị bệnh, bị chết, chỉ còn 5 con đang được điều trị. Địa phương đang tiếp tục triển khai tốt những biện pháp phòng dịch đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua để ngăn không cho dịch phát sinh trở lại, đàn vật nuôi được đảm bảo an toàn".

Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc bị bệnh cũng góp phần giúp Lộc Hà dập dịch.

Ông Phan Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết thêm: “Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục đã lắng xuống nhưng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch vẫn duy trì liên tục trên địa bàn. Ngoài ra, để sớm chấm dứt dịch bệnh, chúng tôi đang rà soát số lượng trâu, bò mới được người dân mua về địa bàn và số bê, nghé mới đẻ chưa được tiêm phòng để báo cáo lên cấp trên xin bố trí thêm vắc-xin tiêm bổ sung.

Đặc biệt, ngoài 875 lít hóa chất và gần 22.000 tấn vôi bột đã cấp dùng thì sắp tới, chúng tôi sẽ cấp tiếp 804 lít hóa chất và đề nghị các xã, thị trấn, người dân mua thêm vôi bột để khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, không cho dịch tái bùng phát”.

Trong “bão dịch” viêm da nổi cục, huyện Lộc Hà có 883 con gia súc của 707 hộ ở 65 thôn, 11 xã bị mắc bệnh, trong đó có 102 con bê và bò bị chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng 12.391 kg.

Trong tổng số gia súc bị bệnh hiện chỉ còn 157 con đang điều trị, số còn lại đang được chữa trị và nhìn chung đại đa số đang có tiến triển tốt.

Nguồn Hà Tĩnh