Chứng co thắt thực quản làm thực quản không thể di chuyển thức ăn và chất lỏng xuống dạ dày. Bệnh thường thấy ở người trong độ tuổi từ 25 đến 60, nhưng cũng có khi xảy ra ở trẻ em
Một bệnh nhân nam giới, 48 tuổi đến gặp bác sĩ với vẻ mặt lo âu, hai mắt trũng sâu, thể trạng gầy gò, da xanh tái và phàn nàn rằng không thể nuốt được nên sau 1 tháng nay đã gầy mất 7 kg. Người bệnh luôn lo sợ và nghĩ rằng mình chắc hẳn phải có một khối u rất to ở họng.
Khi khám, chúng tôi nhận thấy niêm mạc vùng họng hơi xung huyết, tuy nhiên toàn bộ vùng họng, hạ họng không có bất kỳ khối gì bất thường nhưng lại ứ đọng dịch nước bọt ở hai bên thành bên họng (xoang lê).
Niêm mạc hạ họng trong chứng co thắt thực quản
Bệnh nhân được chỉ định đi soi để đánh giá toàn bộ đường thực quản và phát hiện ra sự giảm nhu động của các cơ dọc theo thành thực quản. Nếu đo áp lực nhu động thực quản: thời gian và trương lực của cơ thắt tâm vị thực quản cũng như độ giãn của cơ thắt thực quản dưới không thực hiện được chức năng co bóp.
Những biểu hiện này thuộc một loai bệnh lý có tên là “Chứng co thắt thực quản” – Achalasia.
Chứng co thắt thực quản- một rối loạn hiếm gặp
Chứng co thắt thực quản là một rối loạn hiếm gặp, chỉ gặp ở 0,01% số người đến khám vì nuốt nghẹn. Chứng này xuất hiên khi thực quản không thể di chuyển thức ăn và chất lỏng xuống dạ dày. Bệnh thường thấy ở người trong độ tuổi từ 25 đến 60, nhưng cũng có khi xảy ra ở trẻ em (ghi nhận dưới 5% trường hợp là ở trẻ em dưới 16 tuổi). Bệnh không có sự phân biệt về chủng tộc cũng như giới nam và nữ.
Diễn biến của chứng co thắt thực quản
Bệnh có biến chứng khi người bệnh do hít phải dịch từ đường tiêu hóa vào phổi gây viêm phế quản hoặc viêm phổi hít.
Người bệnh nếu bệnh không được điều trị, dần dần sẽ gặp khó khăn hơn khi ăn thức ăn đặc và uống chất lỏng, từ đó gây giảm cân đáng kể và suy dinh dưỡng.
Một số ít có nguy cơ phát triển thành ung thư thực quản, đặc biệt nếu tình trạng này đã xuất hiện trong một thời gian dài.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho tới thời điểm hiện tại vẫn cần có thêm nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh. Có nhiều giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân gây bệnh như:
- Nguyên nhân tự miễn: Hệ thống miễn dịch của bản thân người bệnh tấn công các tế bào thần kinh trong các lớp cơ của thành thực quản và tại cơ thắt thực quản dưới.
- Nguyên nhân thoái hóa: Các tế bào thần kinh kiểm soát chức năng co thắt từ từ thoái hóa vì những lý do mà hiện tại vẫn chưa được hiểu rõ, dẫn đến các cơn co thắt quá mức khiến thức ăn và chất lỏng không thể đi qua thực quản vào dạ dày.
- Nguyên nhân do di truyền
- Yếu tố thuận lợi: các stress trong cuộc sống và công việc
Các biểu hiện thường diễn biến chậm và kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm
Nuốt nghẹn ngày càng tăng kèm theo thường xuyên có biểu hiện đầy tức cổ, lọc ọc thức ăn ở đoạn tương ứng thực quản cổ.
Có bệnh nhân đau vùng giữa xương ức từng cơn, có những cơn đau rất dữ dội.
Có bệnh nhân ợ nóng, bỏng. Hoặc ho về đêm thành cơn, tăng dần. Hoặc nấc, khó ợ hơi, nôn và buồn nôn.
Sứt cân cũng là biểu hiện thường thấy
Bác sĩ chẩn đoán xác định và điều trị
Nếu có những biểu hiện trên, bạn cần tới bác sĩ chuyên khoa Tai- Mũi- Họng. Chủ yếu các bác sĩ chẩn đoán bệnh qua khai thác bệnh sử, khám nội soi tai- mũi- họng và nội soi dạ dày – thực quản.
Nếu còn nghi ngờ, bác sĩ có thể sử dụng thêm phương pháp sử dụng chất chỉ thị Barium để uống và chụp phim đánh giá xác định các đoạn co thắt của thực quản; hoặc nội soi dạ dày- thực quản bằng ống mềm có gắn camera để quan sát đánh giá những đoạn co thắt của thực quản qua camera.
Hình ảnh chứng co thắt thực quản quan sát được khi cho bệnh nhân uống Barium và nội soi với ống mềm có gắn camera
Các bác sĩ cũng có thể sẽ đo áp lực cơ thắt thực quản: đây là tiêu chuẩn vàng để đánh giá chứng co thắt thực quản. Máy sẽ đo thời gian và trương lực cơ của các cơ thực quản và sự giãn của cơ thực quản dưới. Nếu là chứng co thắt thực quản sẽ thấy cơ thực quản dưới không giãn ra và không thấy có sự co bóp của các cơ co thắt dọc thành thực quản.
Khi xác định được bệnh, bác sĩ sẽ điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
Với nội khoa, thày thuốc sẽ dùng phương pháp nong bóng: đưa một loại bóng thiết kế đặc biệt qua cơ thắt thực quản dưới của người bệnh rồi thổi phồng lên để làm giãn cơ thực quản dưới.
Bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc: thuốc giãn cơ, an thần; hoặc tiêm botulinum (Botox) vào cơ với số lượng rất nhỏ, Botox có thể làm giãn các cơ bị co cứng.
Về điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Đó là phẫu thuật cắt thực quản nội soi; phẫu thuật cắt cơ Heller nội soi sau đó tái tạo một phần giúp ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản do tác dụng không mong muốn của phẫu thuật cắt cơ Heller; hoặc phẫu thuật cắt cơ nội soi qua đường phúc mạc (POEM). Trong thủ thuật POEM, các cơ ở phía bên của thực quản, cơ thực quản dưới và phần trên của dạ dày được cắt bằng dao. Các vết cắt ở những khu vực này làm nới lỏng các cơ, cho phép thực quản đưa thức ăn xuống dạ dày./.
PGS. TS. BS. Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội
Nguồn vov.vn