Phụ huynh bật khóc khi con mắc sốt xuất huyết nặng

ngày 11/05/2022

Dịch sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, nhiều trẻ chuyển nặng thậm chí tử vong do không được phát hiện bệnh kịp thời.

"Mẹ ơi, con mệt!", bé trai 11 tuổi mếu máo gọi mẹ.

Chị Sơn đang nói chuyện với điều dưỡng, hớt hải chạy đến giường bệnh. Hơn 3 ngày nay, chị gần như không ngủ khi con trai vẫn lừ đừ, phải cấp cứu, sau đó truyền dịch.

"Con tôi sốt cao gần 40 độ C, test nhanh Covid-19 âm tính nên tôi đưa cháu đến phòng khám tư để lấy thuốc. Mất 3 ngày loay hoay nhưng cháu vẫn không hạ, khi nhập viện, bác sĩ thông báo sốt xuất huyết, tình trạng đã chuyển nặng", chị Hồng Sơn (ngụ Tây Ninh) buồn bã kể lại.

Không riêng trường hợp của mẹ con chị Sơn, nhiều phụ huynh ở TP.HCM vẫn còn chủ quan với triệu chứng sốt ở trẻ nhỏ trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm đang vào mùa cao điểm. Một trong mối lo hàng đầu của ngành y tế TP.HCM là sốt xuất huyết.

Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết mức độ nặng

Ngồi dỗ con trai ngủ lại, chị Hồng Sơn cho biết ngày 6/5, con trai (11 tuổi) đột ngột sốt rất cao đến 39-40 độ C. Tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt siêu vi.

Nhưng ngày thứ 3, con trai sốt cao trở lại, gia đình tức tốc đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé được đưa thẳng đến phòng cấp cứu và truyền dịch đến nay.

Chị Hồng Sơn lo lắng khi con trai vẫn mệt mỏi, lừ đừ sau nhiều ngày sốt. Ảnh: Bích Huệ.

"Mất 3 ngày loay hoay tôi mới đưa con nhập viện. Tôi theo dõi kỹ sức khỏe của con, đã loại trừ khả năng bé mắc Covid-19 nhưng lại nghĩ con sốt siêu vi nên đã chủ quan", chị Sơn chia sẻ.

Ngay cạnh giường chị Sơn, chị Bé Ngọc (32 tuổi) cùng chung nỗi buồn rầu khi không kịp thời phát hiện con bị sốt xuất huyết nặng.

Ngày 5/5, con trai chị Ngọc sốt cao nhưng theo dõi một ngày ở bệnh viện tỉnh vẫn không tiến triển. Nóng ruột, chị tiếp tục đưa con đến TP.HCM thì tình trạng bé đã chuyển nặng, phải truyền dịch và theo dõi sát.

"Điều tôi lo lắng nhất là con trai 7 tuổi nhưng nặng đến 40 kg, có hơi thừa cân. Bác sĩ nói trẻ béo phì, thừa cân có nguy cơ bệnh nặng cao hơn", chị Bé Ngọc nói.

Người phụ nữ chia sẻ gia đình thường xuyên đốt nhang trừ muỗi gần chỗ con trai ngồi, nhưng không rõ vì sao con vẫn mắc sốt xuất huyết, tình trạng lại nặng.

Nguyên nhân khiến ca nặng tăng

Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 40 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện.

10% số trẻ điều trị nội trú có dấu hiệu bệnh nặng. Những ca bệnh nặng thường nôn ói nhiều, đau bụng, máu cô đặc khó lưu thông. Trường hợp nặng phải truyền dịch, sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, suy đa cơ quan...

Phân tích nguyên nhân khiến số ca mắc sốt xuất huyết chuyển nặng tăng cao, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết hiện nay, "cái bóng Covid-19" vẫn còn khá lớn, do đó, nhiều dấu hiệu bệnh bị nhầm lẫn với căn bệnh này.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Bích Huệ.

"Tâm lý của người dân không đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời, lầm tưởng sốt do Covid-19 nên tự ý mua thuốc uống. Ngoài ra, trẻ thừa cân, béo phì, bệnh lý nền có nguy cơ cao rơi vào nhóm chuyển nặng", TS Tuấn nói.

Bên cạnh đó, số ca bệnh nặng tăng cũng có liên quan sự dịch chuyển cơ học của dân số. Việc thay đổi môi trường sống, nơi cư trú từ nơi ít có yếu tố dịch tễ đến vùng dịch sốt xuất huyết, cũng có thể khiến trẻ dễ dàng phơi nhiễm với type virus gây sốt xuất huyết hơn.

Nhiều người đặt vấn đề có hay không sự thay đổi chủng virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên theo kết luận từ Viện Pasteur TP.HCM, chủng gây bệnh này không có sự thay đổi, vẫn là DEN1 từ trước đến nay.

TS Tuấn cho biết không phải tất cả đều nhập viện trễ, một số trẻ có cơ địa béo phì, thừa cân, bệnh lý nền cũng có nguy cơ cao chuyển nặng.

Do đó, việc theo dõi sát sức khỏe của trẻ, kịp thời tư vấn ý kiến bác sĩ hoặc đưa con đến bệnh viện là điều quan trọng, nhất là trong giai đoạn bệnh truyền nhiễm vào mùa cao điểm như hiện nay.

Đặc biệt, TS Tuấn nhấn mạnh điều nguy hiểm là trẻ đồng nhiễm SARS-CoV-2 và sốt xuất huyết. Do đó, khi phát hiện trẻ sốt cao khó hạ, lừ đừ, bồn chồn, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, xuất huyết niêm mạc hay biểu hiện khó thở, tức ngực... phụ huynh cần đưa con đi khám bệnh để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Nguồn: https://zingnews.vn/phu-huynh-bat-khoc-khi-con-mac-sot-xuat-huyet-nang-post1316004.html