Hàng chục ngàn người mắc sốt xuất huyết

ngày 24/07/2019

Tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm 2019 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương cần có những biện pháp cấp bách phòng chống SXH, giảm số ca mắc, hạn chế tử vong.

Không chủ quan với bệnh cũ

Các địa phương đang là điểm nóng của dịch là Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Phú Yên, TP HCM, Thừa Thiên - Huế..., Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đang là cao điểm mùa dịch, số bệnh nhân liên tục tăng cao và có thể bùng phát trên diện rộng. Để chủ động phòng chống, không cho dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, duy trì 1 tuần/lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong do SXH, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế quá tải bệnh viện.

Điều trị bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Ông Nguyễn Đức Khoa, Cục Y tế dự phòng, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, không chỉ ở Việt Nam, dịch SXH đang gia tăng ở các nước châu Mỹ Latin và châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt các nước xung quanh Việt Nam như Philippines, số mắc SXH đã tăng 2 lần so với cùng kỳ, với gần 100.000 trường hợp mắc, gần 400 trường hợp tử vong. Malaysia với hơn 60.000 trường hợp mắc, gần 100 trường hợp tử vong. Lào, Campuchia, Trung Quốc, Úc cũng đang gia tăng mạnh và chưa có xu hướng dừng lại. Tình trạng trên được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, làm cho vector truyền bệnh sinh sôi và phát triển mạnh.

Ổ muỗi trú trong vật dùng thường ngày

Các chuyên gia dịch tễ cho biết muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ ở nơi nước sạch như: các dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong nhà, lọ hoa, bát nước kê chân chạn, khay nước điều hòa, tủ lạnh và các dụng cụ linh tinh khác như lốp xe, vỏ dừa, chai lọ, mảnh lu mảnh vại, hốc cây bẹ lá... có chứa nước mưa, mà không đẻ trứng ở vũng nước, mương nước. Vì vậy, để phòng bệnh SXH cần chú ý diệt lăng quăng, bọ gậy ở những dụng cụ chứa nước kể trên. Ngoài ra, muỗi thường sống trong nhà, gần người, những nơi tối. Muỗi thường đậu, nghỉ ở dây mắc quần áo, mùng; quần áo phơi trong nhà. Muỗi phát triển tối ưu ở điều kiện nhiệt độ là

25-30 độ C. Độ ẩm là 70%-90%. Lăng quăng phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ 25-28 độ C. Đặc điểm của muỗi là hay hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chạng vạng tối hoặc cả ngày nếu như trong môi trường ánh sáng yếu (các góc nhà tối). Ông Khoa cho biết hiện nay, để diệt lăng quăng có thể dùng các tác nhân sinh học như: cá, các động vật giáp xác hoặc dùng hóa chất ức chế, diệt lăng quăng hoặc dùng các biện pháp cơ học khác như: đổ hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước chứa lăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Các biện pháp này sẽ rất hiệu quả nếu như áp dụng thường xuyên và triệt để. Tuy nhiên, thực tế người dân thường không thực hiện được đầy đủ như mong muốn.

Từ thực tế điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết virus Dengue gây bệnh SXH có 4 type từ D1 đến D4, nên một người có thể mắc bệnh SXH đến 4 lần. Nếu người lớn chưa miễn dịch với cả 4 type virus gây bệnh thì khi bị muỗi đốt vẫn bị lây nhiễm bệnh. Nên không có lứa tuổi nào là miễn dịch đối với SXH. "Trong 3 ngày đầu tiên dù sốt rất cao nhưng SXH có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là giai đoạn lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng nặng. Giai đoạn này người bệnh cần được thử máu hằng ngày để đánh giá mức độ cô đặc máu và tình trạng hạ tiểu cầu. Người bệnh cần nhập viện ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như mệt lả, buồn nôn, nôn, chảy máu bất thường, khó thở, đau bụng, đau tức vùng gan, tiểu ít..." - bác sĩ Cấp khuyến cáo.


Nguồn: Báo NLĐ