6 bài thuốc giúp phòng ngừa và trị cảm cúm

ngày 05/08/2022

Đông y gọi cảm cúm là 'thương phong' và 'thời hành cảm mạo'. Bệnh chủ yếu do phong tà hoặc hỏa tà (tà khí của hỏa nhiệt) xâm phạm vào khoang mũi họng gây ra.

Đông y cho rằng "chính khí tồn nội, tà bất khả can" (cơ thể có đủ sức đề kháng thì mầm bệnh không thể xâm nhập và gây bệnh được).

Những biểu hiện khi bị cảm cúm

- Chảy nước mũi: Niêm mạc trong khoang mũi phản ứng lại với sự nhiễm khuẩn bằng biểu hiện sưng tấy lên, tăng xuất tiết chất nhờn, dẫn đến tình trạng chảy nước mũi.

- Ngạt mũi: Do niêm mạc xoang mũi bị sung huyết, máu tụ lại, niêm mạc nở to ra dẫn đến ngạt mũi.

- Khàn tiếng: Do xoang mũi, xoang miệng bị viêm nhiễm, biến dạng gây nên.

- Sốt, nhức đầu: Xoang mũi bình thường liên thông với xoang miệng, khi niêm mạc bị viêm nhiễm, sẽ bị nghẽn tắc. Tình trạng này dẫn đến tăng áp lực ở trong xoang mũi, gây nên nhức đầu.

- Đau vùng tai: Phần trên của họng bị viêm nhiễm, làm nghẽn vòi nhĩ, gây đau ở vùng tai.

Cảm cúm gây ra ngạt mũi, chảy nước mũi.

Nguyên nhân gây bệnh

Nhiễm bệnh cảm cúm thường có hai yếu tố:

Một là chính khí (sức đề kháng) của cơ thể giảm sút
Hai là các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thấp, thử, nhiệt xâm nhập vào cơ thể

Trong đó vai trò của chính khí là rất quan trọng. Đông y cho rằng "chính khí tồn nội, tà bất khả can (cơ thể có đủ sức đề kháng thì mầm bệnh không thể xâm nhập và gây bệnh được).

Điều trị cảm cúm

Dùng một trong 2 bài thuốc sau:

Bài 1: Rau má 12 g, lá mơ 8 g, cỏ nhọ nồi 8 g, cỏ mần trầu 8 g, bạc hà 6 g, kim ngân 12 g, rễ cỏ tranh 8 g, ké đầu ngựa 6 g, cam thảo 6 g. Các vị thuốc sắc với 800 ml nước, còn 300 ml, chia ra 3 phần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm

Bài 2: Lá tre 16 g, kim ngân 12 g, bạc hà 8 g, kinh giới 8 g, cam thảo 6 g. Các vị thuốc sắc với 600 ml nước, còn 200 ml, người lớn uống hết một lần, trẻ nhỏ chia ra 2-3 phần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm

Phòng bệnh cảm cúm

Về sinh hoạt phòng ngừa cảm cúm

Cần chú ý giữ cho đời sống tinh thần, tình cảm luôn cân bằng, lạc quan và thư thái. Cổ nhân cho rằng "điềm đạm hư vô, chân khí tòng lai", ý muốn nói tâm hồn, tình cảm thường xuyên khoáng đạt, bình thản, không thái quá thì sức khỏe sẽ đến và không bệnh tật nào có thể phát sinh được.

Giữ nếp sinh hoạt hàng ngày điều độ, tránh làm việc quá sức, chú ý đảm bảo giấc ngủ, giữ gìn môi trường sống và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thuận theo sự biến đổi của khí hậu, thời tiết mà thay đổi nếp sinh hoạt cho phù hợp nhằm tăng cường khả năng thích ứng của cơ thể đối với môi trường tự nhiên.

Tỏi có công dụng phòng ngừa cảm cúm.

Giữ ấm vùng hầu họng, nhất là khi thời tiết thay đổi và trong lúc ngủ ban đêm, nếu dùng điều hòa nên để ở nhiệt độ vừa phải. Nơi ở nên thông thoáng và tiếp xúc được nhiều với ánh sáng mặt trời.

Trên mỗi mét vuông nhà có thể dùng 5 ml dấm chua và 15 g bạc hà cho vào nồi không đậy nắp, đóng hết các cửa rồi đun lên để xông, làm liền trong 3 ngày để ngăn ngừa dịch cảm cúm.

Có thể dùng các loại tinh dầu hương nhu, bạc hà, ngải cứu, thương truật, long não... phun xịt xông phòng để tiêu độc. Theo đông y, như vậy mới chủ động phòng tránh được tà khí xâm nhập và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Về dùng thuốc phòng ngừa cảm cúm

Bài 1: Cam thảo tươi 20 g, kim ngân hoa 20 g, đậu đen 40 g, tất cả sấy khô, tán thành bột mịn, trộn với 50 ml mật ong và nước hồ bằng bột gạo làm thành những viên hoàn to bằng đầu ngón tay rồi sấy khô để dùng dần. Mỗi sáng uống 1 viên với nước ấm.

Bài 2: Quán chúng 5000 g, hoàng cầm 500 g, kim ngân hoa 400 g, cam thảo 200 g, tất cả đem sắc kỹ lấy làm nước uống mỗi ngày cho những bếp ăn công cộng chừng 400 người.

Bài 3: Hoàng bá 30 g, tinh dầu bạc hà 2 g, băng phiến 3 g. Đem hoàng bá sắc với nước trong 60 phút, sau đó cho tinh dầu bạc hà và băng phiến vào hòa tan rồi đựng trong lọ thiếc để dùng dần, mỗi ngày nhỏ mũi nhiều lần.

Bài 4: Dung dịch tỏi 10% hoặc một lượng vừa phải dung dịch hành, nhỏ mũi mỗi ngày 3-5 lần, mỗi lần 1 giọt. Hoặc dùng nước ép tỏi và procain 3% lượng bằng nhau, hòa đều rồi nhỏ mũi mỗi ngày 3 lần, mỗi lần vài giọt.

Nguồn: zingnews.vn