Hai kịch bản có thể xảy ra khi TP.HCM phát hiện ca Omicron cộng đồng

ngày 20/01/2022

Các chuyên gia nhận định khi Omicron lây nhiễm trong cộng đồng ở TP.HCM, số ca nhiễm có thể tăng cao hơn nhưng tỷ lệ bệnh nặng và tử vong không nhiều.

Sau hơn một tháng chuẩn bị kế hoạch và xây dựng thế trận kiểm soát biến chủng mới, TP.HCM đã phát hiện những ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng.

Khác với cảnh phong tỏa và thần tốc truy vết và xét nghiệm diện rộng để tách F0 như trước, với biến chủng mới, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân ở khu vực F0 sinh sống vẫn diễn ra như thường nhật.

Các chuyên gia nhận định Omicron xuất hiện ở TP.HCM như tình huống đã được dự liệu trước, không bất ngờ hay hoảng hốt.

"Omicron không thay đổi diễn biến dịch ở TP.HCM"

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến trưa ngày 19/1, ngành y tế đã xác định tổng cộng 6 F0 liên quan ca bệnh N.T.N.P. (41 tuổi, ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh), nhập cảnh từ Mỹ, trong đó có 3 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng. Bốn người còn lại đang chờ kết quả giải trình tự gene.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết việc xuất hiện những ca nhiễm biến chủng mới trong cộng đồng tại Việt Nam là tất yếu và đã được dự báo trước.

"Vấn đề của chúng ta là ngăn chặn sự lây nhiễm này càng chậm càng tốt, tranh thủ thời gian để tiêm chủng, bảo vệ người nguy cơ cao và vaccine kịp thời gian phát huy hiệu quả", bác sĩ Khanh nhận định.

Khu vực nhà của ca nhiễm nhập cảnh được lực lượng chức năng căng dây tạm thời trưa 19/1. Ảnh: Duy Hiệu.

Chuyên gia cho rằng điểm nổi bật của biến chủng mới là tốc độ lây nhiễm cao gây quá tải số lượng ca bệnh. Tại Mỹ, số lượng bệnh nhân nhập viện đa số do lo lắng, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong chưa có dấu hiệu tăng đột biến.

"TP.HCM trải qua đợt dịch lớn với biến chủng Delta nên vốn có kinh nghiệm trong ứng phó, kết hợp tỷ lệ chủng ngừa cao, do đó, tôi cho rằng sự xuất hiện của ca nhiễm biến chủng Omicron không thay đổi diễn biến dịch ở thành phố, có thể khiến số ca mắc tăng nhưng không quá tải hệ thống điều trị", ông nói thêm.

Bác sĩ Khanh cũng phân tích thêm khi Omicron lây nhiễm nhiều hơn, số ca mắc có thể tăng lên, khiến số lượng F0 điều trị tại nhà cao. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự y tế và năng suất lao động giảm xuống do nhiều người phải cách ly.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định với Omicron, các chuyên gia y tế cũng đều thống nhất rằng không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của biến chủng này.

Thời gian trước, khi Nam Phi mới công bố những ca nhiễm đầu tiên, Anh cũng ngay lập tức ngừng những chuyến bay đến quốc gia Châu Phi này. Tuy nhiên, điều này là không thể bởi biến chủng có thể xâm nhập qua nhiều con đường và sau đó Anh đã phát hiện rất nhiều ca Omicron. Do đó, Việt Nam ghi nhận ca Omicron cộng đồng là điều sớm muộn.

Điều đáng lo ngại khi Omicron lây nhiễm tại cộng đồng

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, đưa 2 kịch bản chính có thể xảy ra khi Omicron xuất hiện tại cộng đồng.

Kịch bản đầu tiên là chính quyền và ngành y tế truy vết tất cả người tiếp xúc gần ca nhiễm. Nếu truy vết thành công, thành phố sẽ không còn ca nhiễm Omicron cộng đồng. Tuy nhiên, PGS Dũng cho rằng khả năng này không cao.

Bệnh viện Dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), nơi cách ly những ca nhiễm, nghi nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: Duy Hiệu.

Nguyên nhân là ca bệnh là người nhập cảnh từ Mỹ về Khánh Hòa, sau đó di chuyển từ Nha Trang về TP.HCM trên chuyến bay, tiếp xúc một số người.

Với những người bị bệnh, trong vòng 1-2 ngày trước khi phát hiện dương tính, khả năng cao là họ đã lây nhiễm cho những người tiếp xúc gần khác. Điều này khiến việc truy vết toàn bộ rất khó khăn.

Do đó, chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM dự đoán kịch bản thứ 2 xảy ra là sự gia tăng nhanh ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Bởi cứ sau khoảng 10 ngày, một bệnh nhân nhiễm Omicron có thể lây cho từ 10 đến 100 người khác.

"Như vậy, số ca mắc ở thành phố có thể tăng cao hơn. Theo kinh nghiệm quốc tế, số ca nhiễm có thể gia tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, điều lưu ý là số ca tử vong có thể không tăng nhiều, bởi TPHCM có tỷ lệ chủng ngừa cao và chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ đã thực hiện tốt", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Tình huống khiến PGS Dũng lo ngại nhất là việc không tuân thủ nghiêm 5K có thể khiến số ca nhiễm tăng cao hơn, dẫn đến sự quá tải của hệ thống y tế. Khi hệ thống y tế quá tải, số ca bệnh nặng và tử vong sẽ tăng nhiều hơn.

Các ca nhiễm Omicron tại TP.HCM đều không triệu chứng

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố đang chờ kết quả giải trình tự gene của ca nhiễm là người nhập cảnh (do bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sau) và 2 trường hợp F0 có liên quan.

Tất cả trường hợp này đều đã được chuyển đến cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (khu tái định cư Thủ Thiêm, phường An Khánh, TP Thủ Đức). Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết những người này đều có sức khỏe ổn định.

Lực lượng công an và tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 mũi 3. Ảnh: Duy Hiệu.

Thông tin với Zing về tình hình bệnh nhân 82 tuổi nhiễm biến chủng Omicron (nhập cảnh từ Mỹ), TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho hay hiện sức khỏe bà ổn định, không ghi nhận triệu chứng bất thường.

Thời điểm chuyển viện, bệnh nhân mệt nhiều, tiếp xúc chậm, khó thở nhẹ nên được hỗ trợ thở oxy mũi, sau đó ổn định.

"Điểm khác biệt nhất là bệnh nhân này nhiễm biến chủng Omicron, còn lại vẫn không có triệu chứng bất thường, bệnh nền của bệnh nhân cũng đang được kiểm soát", TS Hùng nói thêm.

Ngoài ra, các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (được cách ly ngay sau khi nhập cảnh) đang được theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến số 12 cũng có sức khỏe bình thường.

Ngày 13/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cũng thông tin 12 ca nhiễm Omicron được ghi nhận trước đó ở TP.HCM đã được xuất viện. Trong 12 ca này, chỉ 2 ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, còn lại không có triệu chứng. Các trường hợp xuất viện đảm bảo quy định của Sở Y tế.

Theo một công trình được đăng tải trên medRxiv ngày 12/1, do nhóm chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Cape Town, Nam Phi, cho hay độc lực của Omicron thấp hơn Delta và giúp nguy cơ nhập viện, tử vong giảm 25%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/1 phát đi cảnh báo biến chủng Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta, nó vẫn là một loại virus nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng.

Nguồn: https://zingnews.vn/hai-kich-ban-co-the-xay-ra-khi-tphcm-phat-hien-ca-omicron-cong-dong-post1290848.html