Đề xuất cách ly 7 ngày các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam có 'hộ chiếu vaccine'

ngày 09/04/2021

Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 9/4, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 15 không ghi nhận ca mắc mới trong nước. Đến nay, tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.669, trong đó có 1.570 ca trong nước.

Hiện nay, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát. Tỉnh Hải Dương cũng đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.

Tại cuộc họp, đề cập phương án áp dụng “Hộ chiếu vaccine”, Bộ Y tế cho biết, hiện tại, các trường hợp khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần, lần 1 ngày đầu tiên khi cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 trước khi hết cách ly: Công dân Việt Nam thuộc diện được đưa về nước do có hoàn cảnh đặc biệt (giải cứu) cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc cách ly tại khách sạn; chuyên gia, người nhập cảnh theo diện chuyến thăm, làm việc mục đích ngoại giao, công vụ cách tại khách sạn có trả phí; nhập cảnh theo diện cách ly ngắn ngày cũng đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày; các trường hợp đặc biệt khác do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 và tiến độ tiêm vaccine trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất các công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về “hộ chiếu vaccine” phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của WHO và Việt Nam đủ mũi, đúng lịch, theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Đã được tiêm trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối.

Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “Hộ chiếu vaccine” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin phòng COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về phương án cách ly, Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được phép nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định, xét nghiệm 2 lần (lần 1 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh vào cơ sở cách ly, lần 2 vào ngày cách ly thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, tiếp tục chuyển cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày, thực hiện xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14; nếu âm tính, kết thúc quá trình cách ly.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thực hiện cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.

Theo ông Đặng Quang Tấn, bên cạnh các thuận lợi, vẫn còn một số bất cập khi triển khai "Hộ chiếu vaccine". Ông Tấn cho biết, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt, tỷ lệ mắc bệnh thấp, tỷ lệ người đã được tiêm chủng chưa cao, miễn dịch cộng đồng thấp nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch rất cao khi có người nhập cảnh mang mầm bệnh.

Bên cạnh đó, virus biến chủng liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn đối với các biến chủng mới.

“Hiệu lực bảo vệ của các vaccine cũng rất khác nhau từ 66%-96% người được tiêm có hiệu lực bảo vệ, do đó còn tỷ lệ cao những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây truyền bệnh”- ông Tấn cho biết.

Ngoài ra, thời gian bảo vệ của các vaccine chưa rõ nên khó khăn cho việc xác định áp dụng thời gian hiệu lực của “Hộ chiếu vaccine”./.

Nguồn VOV