Con người chịu lạnh được bao lâu?

ngày 15/08/2022

Nhiệt độ cơ thể luôn ở mức 37 độ C, khi tiếp xúc với môi trường lạnh đột ngột có thể tổn thương tới não và tim.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhấn mạnh, việc nhốt trẻ trong tủ cấp đông sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy, từ đó gây ngạt; đồng thời tủ cấp đông làm thân nhiệt của trẻ giảm, sẽ gây rối loạn đến chuyển hóa trong cơ thể.

Theo PGS Tuấn, để đảm bảo hoạt động tốt nhất của các cơ quan, nhiệt độ cơ thể thường duy trì tốt nhất là 37 độ C. Do nhiều yếu tố như môi trường, bệnh lý... nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn hoặc xuống thấp hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ đều phải được theo dõi cực kỳ sát sao.

Theo TS BS Quan Thế Dân – nguyên BS Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cho biết cơ thể con người luôn thích ứng được khi nhiệt độ ngoài trời thay đổi như nắng nóng lên tới hơn 40 độ C hoặc lạnh sâu tới âm 20 độ C. Sự thích ứng này cần có thời gian và làm quen với môi trường nhiệt độ bên ngoài.

Cháu bé bị nhốt vào tủ đông may mắn được cứu thoát.

Nếu trường hợp bạn tiếp xúc với môi trường lạnh đột ngột như ở trong phòng lạnh của thực phẩm công nghiệp không mặc quần áo bảo hộ với mức nhiệt âm 20 độ C thì bạn sẽ bị hạ thân nhiệt nhanh chóng và có thể tử vong. Tương tự, khi vào môi trường lạnh sâu như vậy nếu bạn có sự làm quen và chuẩn bị từ từ thì có thể làm quen dần sẽ kéo dài thời gian tồn tại hơn.

Theo TS Dân, khi nhiệt độ không khí xuống dưới 0 độ C, con người đã rơi vào trạng thái tê cứng. Nếu không được tăng nhiệt, cơ thể con người sẽ bị tổn thương và dẫn tới tử vong do lạnh giá.

Nguy cơ tử vong đầu tiên là hạ thân nhiệt, khi nhiệt độ trung tâm của cơ thể hạ xuống thấp, cơ thể bắt đầu xuất hiện hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt từ trung bình đến nặng xảy ra khi thân nhiệt xuống dưới 32,2 độ C. Đây là một tình trạng lâm sàng của nhiệt độ dưới mức bình thường, lúc cơ thể không còn khả năng sinh nhiệt để duy trì các hoạt động bình thường.

Ngoài nguy cơ hạ thân nhiệt, khi thay đổi nhiệt độ đột ngột mạch máu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiếp xúc với lạnh quá huyết áp sẽ tăng đột ngột. Mạch máu co lại và máu dồn về não gây ra tình trạng xuất huyết não.

Điều này lý giải vì sao nhiều người già về mùa đông hay bị đột quỵ. Do người già cảm nhận nhiệt kém nên khi tiếp xúc với môi trường lạnh đột ngột họ không cảm nhận được và mạch máu co lại gây đột quỵ.

Ở người trẻ cũng tương tự nếu người trẻ có tiền sử dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não, xơ vữa động mạch thì tiếp xúc với môi trường lạnh cũng làm tình trạng co mạch nặng hơn và gây tai biến mạch máu não.

Về mùa đông nhiệt độ xuống thấp đột ngột, nhiều người đang nằm trong chăn ấm ra ngoài rét họ sẽ bị huyết áp tăng lên thậm chí có người mức huyết áp có thể tăng vọt khi ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm rửa,…

Nếu huyết áp tối đa tăng lên tơí180mmHg rất nguy hiểm, tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc hạ huyết áp kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.

Ngoài não, lạnh đột ngột còn ảnh hưởng tới tim. Nhiệt độ thấp làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.

Nếu người nào có sẵn bệnh mạch vành, khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp, nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn, vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.

Nhiều quốc gia tổ chức giải bơi trong băng, TS Dân cho rằng thực ra nhiệt độ bơi dưới sông băng chỉ ở mức 4 độ C nên cơ thể con người vẫn có thể chịu đựng được 30 phút.

Liên quan tới trường hợp trẻ 3,5 tuổi ở Hà Nam bị nhốt vào tủ đông, BS Dân cho biết cháu bé may mắn được phát hiện kịp thời nếu chậm trễ sẽ tử vong.

Nguồn: infonet.vietnamnet.vn