Các loại hoa dễ gây dị ứng nếu cắm tại nơi làm việc, trong phòng ngủ, gồm hướng dương, cúc, cúc họa mi và hoa nhài.
Dị ứng theo mùa ảnh hưởng khoảng 20% dân số thế giới. Các triệu chứng bao gồm mẩn ngứa, sổ mũi, đỏ mắt hoặc khó thở. Một số loại hoa có thể khiến tình trạng dị ứng trở nên tồi tệ hơn, bởi chứa các hạt phấn dễ phát tán trong không khí hoặc có mùi hương đặc trưng. Các chuyên gia khuyến nghị mọi người tránh cắm chúng trong nhà, nơi làm việc, không gian kín.
Hướng dương
Hoa hướng dương được nhiều người yêu thích vì có phần bông lớn và sắc vàng, cam rực rỡ. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn hợp lý với người bị dị ứng phấn hoa. Hoa hướng dương tạo ra nhiều phấn, có thể ảnh hưởng đến người bệnh hen suyễn và viêm kết mạc.
Có hai chất gây dị ứng đường hô hấp trong phấn hoa hướng dương, bao gồm protein ofilin và lyase pectate. Hoa hướng dương thụ phấn nhờ côn trùng trong gió, các hạt phấn dễ phát tán gây ra tình trạng viêm mũi, viêm da.
Người bị dị ứng phấn hoa hướng dương cũng sẽ kích ứng với những loại cây khác cùng họ như cỏ tranh, cỏ phấn hương, cây ngải tây, bạch dương, gai dầu, nghệ tây, cơm ô liu, cỏ, mã đề, cây dương.
Hoa cúc
Cúc là loại hoa truyền thống được yêu thích, có cánh nhỏ xếp thành nhiều lớp đẹp mắt. Hoa cúc dễ trồng, dễ tìm kiếm và thường xuất hiện trong nhiều gia đình mỗi dịp lễ tết, cúng giỗ. Tuy nhiên, chúng không phù hợp với những người có cơ địa dị ứng, có thể khiến người mắc bệnh hen suyễn cảm thấy khó chịu.
Một số người bị viêm da sau khi tiếp xúc với phấn hoa cúc. Các nốt viêm thường bắt đầu ở đầu ngón tay, lan rộng ra cẳng tay và mặt. Tổn thương đôi khi dai dẳng, liên quan đến tình trạng viêm da quang hóa mạn tính. Hoa cúc cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm da ở người làm vườn, nông dân trồng hoa, người mua hoa.
Tình trạng nổi mề đay sau khi tiếp xúc với hoa cúc cũng phổ biến, xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với cây, sẽ hết trong vòng 1 giờ hoặc lâu hơn.
Cúc họa mi
Cúc họa mi là loại hoa được ưa chuộng vào mỗi mùa thu, song cần tránh tiếp xúc nếu bạn dễ bị dị ứng. Theo Tony O'Neill, tác giả cuốn Composting Masterclass, phấn hoa trong không khí có thể dễ dàng dẫn đến hắt hơi và chảy nước mắt.
Nếu tìm kiếm một loại hoa tương tự để cắm tại nhà, các chuyên gia khuyến nghị lựa chọn hoa cúc tím. Đây cũng là một trong những loài hoa phù hợp để trồng trong chậu, dưới ánh sáng mặt trời. Hoa cúc tím từ lâu được người Mỹ bản địa sử dụng như một loại thảo mộc chữa bệnh.
Hoa nhài
Mùi hương ngọt ngào của hoa nhài khiến nhiều người liên tưởng đến mùa hè. Tuy nhiên, đây là loài hoa dễ gây dị ứng do mùi hương đặc trưng, đặc biệt đối với người bị hen suyễn.
Các triệu chứng dị ứng hoa nhài là hắt xì hơi, chảy nước mũi, ngứa họng hoặc chảy nước mắt, ho, thở khò khè hoặc khó thở, phát ban trên da hoặc nổi mề đay.
Nếu có triệu chứng nhẹ, mọi người có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamine hoặc thuốc xịt mũi không kê đơn. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện nghiêm trọng hoặc kéo dài, các chuyên gia khuyến nghị nên đi khám.
Nguồn: VnExpress