Chuyên gia cảnh báo, tỉnh nào cũng có thể bùng dịch Covid-19

ngày 22/04/2020

Hôm nay là ngày thứ 21 Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội và là ngày thứ 5 liên tiếp chưa ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19.

Ban Chỉ đạo quốc gia đang tính toán, phân nhóm các địa phương theo nhóm nguy cơ để có đề xuất thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp sau ngày 22/4.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp TT Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định, Việt Nam đang kiểm soát được giai đoạn hiện nay, nhưng không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. Vì vậy các địa phương và tất cả người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

PGS Phu dẫn chứng bài học của Singapore, trong giai đoạn đầu, quốc gia này đã làm rất tốt nhưng do bỏ sót nhóm đối tượng người lao động nhập cư trong các khu tập thể nên dịch đã bùng phát trở lại, hiện đã có hơn 9.000 ca mắc, 11 người tử vong.

Người dân tại TP.HCM vẫn tụ tập nhậu nhẹt trên vỉa hè khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Phong Anh

“Đây là bài học rất lớn cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt, dịch có thể bùng lên bất cứ lúc nào”, PGS Phu cảnh báo.

Ông đánh giá, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca tăng nhanh từng ngày, rất khó dự đoán và có thể còn kéo dài, do đó, nguy cơ dịch tại Việt Nam vẫn hiện hữu.

Vừa qua, chúng ta đã ngăn chặn dịch từ nước ngoài, phát hiện và cách ly tất cả những trường hợp nhập cảnh. Nhưng sau đó, dịch đã sang giai đoạn 3, lây lan trong cộng đồng.

Để kiểm soát dịch, Việt Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ 1/4 để hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ bùng phát các ổ dịch lớn.

Do có tới hơn 60% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng nên giãn cách xã hội cũng giúp người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn đi lại. Một ổ dịch có thể phong tỏa 21-28 ngày là quản được hết các đối tượng từ F1, F2, F3… trong cộng đồng nhưng với một tỉnh hay cả nước thì không thể quản được hết hơn 96 triệu dân.

“Nếu một người mang mầm bệnh nhưng không biết, tiếp tục đi ra ngoài gặp những người khác thì sẽ lây bệnh cho nhiều người. Họ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, không vào bệnh viện hay thuộc nhóm xét nghiệm tại cộng đồng thì chúng ta không thể biết được”, PGS Phu chia sẻ.

“Ở ngoài cộng đồng chỉ bỏ sót một trường hợp cũng có thể khiến dịch bùng lên. Và hiện tại, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết”, PGS Phu nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo sáng nay, TS Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cũng cảnh báo, Việt Nam cần luôn sẵn sàng cho làn sóng thứ 2 của dịch có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương khuyến cáo: “Việt Nam nên cẩn trọng xem xét bắt đầu tháo dỡ hạn chế như thế nào. Không nên là tất cả cùng lúc”.

Ông Takeshi cho rằng, việc nới lỏng, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội cần dựa trên các yếu tố như dữ liệu thực tế về dịch Covid-19, khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế.


Nguồn: Báo VietnamNet