'Chìa khóa' để nâng cao chất lượng dân số

ngày 29/08/2020

Ngăn chặn việc lựa chọn giới tính khi sinh

Mặc dù nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, nhưng việc lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội. Điều này đã hhiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta tiếp tục ở mức đáng lo ngại. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2000 là 106,2 bé trai /100 bé gái, năm 2018 đã lên tới 114,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020 tỉ số giới tính khi sinh là 113,2 bé trai/100 bé gái. Ở một số huyện, như: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng... sự mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao hơn.

Cần phải hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tạo động lực phát triển bền vững chất lượng dân số.

Lý giải về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội là do một số nguyên nhân như sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh; quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Thậm chí khi công nghệ ngày càng phát triển, việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng khiến nhiều người có xu hướng lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính….

Theo nhận định của các chuyên gia dân số, bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỉ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của mỗi địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không lấy được vợ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai, gây ra những bất ổn đến đời sống kinh tế - xã hội… Do vậy, cần phải hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tạo động lực phát triển bền vững chất lượng dân số.

Trong đó, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức xã hội nhằm giảm sự ưu thích con trai và hạ thấp giá trị của con gái, cũng như hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Giải quyết bất bình đẳng giới với trọng tâm hướng tới giải quyết phân biệt đối xử theo giới trong gia đình.

Cải thiện khả năng tiếp cận hoạt động hỗ trợ pháp lý cho nữ giới. Cần nâng cao kiến thức của người dân về quyền thừa kế của nữ giới và khuyến khích con gái khẳng định, thực hiện quyền của họ đối với tài sản gia đình. Đồng thời, thu hút nam giới xây dựng các thực hành mới trong gia đình và đẩy mạnh sự tham gia của họ trong việc chăm sóc gia đình...

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phòng tránh hậu quả nặng nề

Bên cạnh ngăn chặn lựa chọn giới tính khi sinh, để trẻ em có điều kiện phát triển khỏe mạnh cần sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm, can thiệp sớm các tật, bệnh, phòng tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ. Đây là việc làm thiết thực để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy, công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành luôn được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2019 đạt 80,0% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2019 đạt 85,35%.

Cần sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm, can thiệp sớm các tật, bệnh, phòng tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ.

Thành phố đã triển khai sàng lọc khiếm thính cho 10.986 trẻ từ 0 - 5 tuổi; sàng lọc tim bẩm sinh cho 29.507 trẻ sơ sinh; sàng lọc Thalassemia cho 5.000 học sinh cấp II, III tại 5 huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ.

Mặc dù hiệu quả của sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất lớn nhưng trên thực tế vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện trên địa bàn Hà Nội. Nhiều người dân còn rất băn khoăn, lo ngại khi sàng lọc bệnh cho trẻ sơ sinh. Tâm lý này không chỉ có ở người dân ở vùng nông thôn và còn xuất hiện ở thành phố. Hay việc thai siêu âm không đúng thời điểm cũng dẫn đến việc khó phát hiện các dị tật bẩm sinh.

Triển khai Kế hoạch thực hiện "Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2020", Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy nhấn mạnh mục tiêu, tỷ lệ thai phụ trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh là 99%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 80%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc là 85%; tỷ lệ sàng lọc khiếm thính là 48%; tỷ lệ sàng lọc tim bẩm sinh là 40%; số ca sàng lọc Thalassemia tại cộng đồng là 5.000 ca.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Tạ Quang Huy, Hà Nội cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động về dân số và phát triển nhằm nâng cao kiến thức thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh; sàng lọc khiếm thính...

Tuy nhiên để những mục tiêu đạt kết quả, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, sự chủ động của các thai phụ tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.


Nguồn: Báo LĐTĐ