Sản phẩm được quảng cáo giảm cân thần kỳ gây sốt MXH 'mỗi ngày một viên, một tháng giảm 10 ký' với liệu trình 7 ngày, 14 ngày có giá thành 130- 135.000 đồng/gói tùy nơi bán. Lên mạng rất dễ để tìm được loại kẹo dứa giảm cân này.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, nhu cầu giảm béo cấp tốc của chị em cũng tăng chóng mặt. Tại các diễn đàn làm đẹp nhiều chị em, người bán hàng chia sẻ bí quyết giảm cân. Bên cạnh việc phẫu thuật hút mỡ thì các loại thuốc giảm cân cấp tốc cũng được nhiều người bán hàng quảng cáo “hiệu quả, an toàn”.
Tuy nhiên, mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục đưa ra thông tin cảnh báo về 6 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm.
Ảnh minh họa
Đồng thời, cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm giảm cân Feo dứa hay còn gọi là kẹo dứa lấy mẫu tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Hà Nội) có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.
Cụ thể, ngày 18/1, Cục này đã thông tin về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống giảm cân Seven Days (lô sản xuất 202021109; ngày sản xuất 9/11/2020) có chứa chất cấm Sibutramine.
Lên mạng rất dễ để tìm được loại kẹo dứa giảm cân này. Sản phẩm được quảng cáo giảm cân thần kỳ gây sốt MXH "mỗi ngày một viên, một tháng giảm 10 ký" với liệu trình 7 ngày, 14 ngày có giá thành 130- 135.000 đồng/gói tùy nơi bán.
Ngoài ra, 4 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác, lần lượt là: DIAMOND Power Slim, Slim Phục Linh Plus, Slimming TIGI MAX 28 và viên uống thảo mộc Mộc slim cũng đã được Cục An toàn thực phẩm phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine.
Chia sẻ với phóng viên về việc chị em nôn nóng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) giảm béo chứa chất cấm, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng đây là việc làm “rất nguy hiểm”.
Bởi thuốc làm giảm cân nhanh có hai dạng: Một là gây mất nước. Vì vậy hầu hết người dùng thuốc giảm cân thường đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, sau khi ngưng thuốc, tình trạng béo sẽ trở lại như cũ vì người đó phải uống bù nước.
Hai là các loại thuốc gây chán ăn, thường có hiệu quả trong một vài tuần lễ đầu tiên kể từ khi uống nhưng tác dụng sẽ giảm rõ rệt sau tuần thứ tư nên nhiều người tự tăng liều, chưa kể nếu ngưng thuốc, họ sẽ ăn nhiều hơn và hệ quả là béo vẫn hoàn béo.
“Một điều nguy hiểm nữa là sau vài tuần điều trị, nhiều người gặp tác dụng phụ như bứt rứt, khó chịu, thay đổi tính cách, dễ cáu giận, mất ngủ, mệt mỏi, trầm cảm và có thể suy tim hoặc đột quỵ. Vì vậy, việc giảm béo là quá trình đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, tập thể dục…”, TS. BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Đặc biệt với 2 chất cấm được nhắc đến trong các sản phẩm giảm cân là sibutramine và phenolphtalein, theo TS. BS Trương Hồng Sơn đều gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
Cụ thể, đối với chất Sibutramine - là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn. Hầu hết các loại thuốc cùng nhóm này có tác dụng trên các trung tâm nhận thức về đói và no, lúc đầu Sibutramine được sử dụng như thuốc chống trầm cảm.
Hiệu quả của Sibutramine là làm giảm cân trung bình 5% trọng lượng cơ thể.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%).
Sibutramine nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%), hội chứng Gilles de la Tourette, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ… Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.
“Từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có Sibutramine
Tại Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine”, TS. BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó với hoạt chất Phenolphtalein, theo FDA, Phenolphtalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH.
TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng, Phenolphtalein có tác dụng rất tốt trong việc nhuận tràng nên được sử dụng phổ biến. Đặc biệt là hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến tiêu hóa hoặc kích thích nhuận tràng.
Ngoài ra, Phenolphtalein còn có tác dụng rất tốt trong việc phân giải chất béo. Đồng thời ngăn chặn sự tích lũy mỡ trong cơ thể. Nhờ đó cân nặng của người sử dụng sẽ được cải thiện.
Phenolphtalein trong thuốc giảm cân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, gan của người dùng. Ngoài ra, sử dụng Phenolphtalein để giảm cân, còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi…
Lâu dài dẫn đến việc sức khỏe bị giảm sút. Đặc biệt là cơ thể rơi vào tình trạng mất nước và đi cầu liên tục… Nguy hiểm hơn nữa là tính mạng có thể bị đe dọa.
Vậy nên việc lạm dụng các sản phẩm giảm cân có sử dụng 2 chất cấm trên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng về ngắn hạn cũng như lâu dài
Ông cho rằng chị em trước khi quyết định giảm béo, nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, các chuyên gia dinh dưỡng nhằm xây dựng lộ trình phù hợp. Không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/phu-nu-dep/de-co-dang-dep-chi-em-bat-chap-su-dung-tpcn-co-chua-chat-cam-403435.html