Các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tránh thai là rất phổ biến nhưng cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là 10 tác dụng phụ phổ biến nhất.
Ảnh minh họa.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam thông tin cho biết, thuốc tránh thai hàng ngày là một loại biện pháp tránh thai, hoạt động bằng cách ngăn chặn cơ thể sản xuất trứng, có nghĩa là không để tinh trùng thụ tinh và không thể mang thai.
Thuốc tránh thai cũng có thể giúp điều trị kinh nguyệt không đều, đau hoặc ra nhiều, lạc nội mạc tử cung, mụn trứng cá và hội chứng tiền kinh nguyệt.
Thuốc tránh thai ảnh hưởng đến mức độ hormone của bạn, dẫn đến các tác dụng phụ khác nhau. Những tác dụng này thường hết trong vòng 2-3 tháng, nhưng cũng có thể kéo dài hơn.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 12,6% phụ nữ từ 15–49 tuổi uống thuốc tránh thai. Thuốc an toàn cho hầu hết phụ nữ sử dụng.
Nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc gây khó chịu, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa về việc thử một nhãn hiệu khác hoặc một phương pháp ngừa thai khác.
Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc tránh thai:
Rong kinh
Chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt, hay còn gọi là rong kinh, dùng để tình trạng ra máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này có thể là chảy máu nhẹ hoặc tiết dịch màu nâu.
Rong kinh là tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc tránh thai. Nguyên nhân là do cơ thể đang điều chỉnh để thay đổi mức độ hormone và tử cung đang điều chỉnh để có một lớp niêm mạc mỏng hơn.
Uống thuốc theo quy định, thường là uống mỗi ngày và vào cùng một thời điểm mỗi ngày, có thể giúp ngăn ngừa chảy máu giữa các kỳ kinh.
Buồn nôn
Bạn cảm thấy buồn nôn nhẹ khi lần đầu tiên uống thuốc, nhưng tình trạng này thường giảm dần. Uống thuốc cùng với thức ăn hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp bạn giảm cảm giác buồn nôn.
Nếu cảm giác buồn nôn nghiêm trọng hoặc kéo dài trong vài tháng, tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sỹ để tìm ra nguyên nhân.
Căng ngực
Uống thuốc tránh thai thường khiến ngực cảm thấy căng tức, đặc biệt là ngay sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc. Mặc áo ngực nâng đỡ có thể giúp giảm căng tức ngực.
Cùng với việc tăng độ nhạy cảm của ngực, các hormone trong thuốc tránh thai có thể làm cho ngực lớn hơn.
Bạn nên nói chuyện với bác sỹ về tình trạng đau ngực nghiêm trọng hoặc các thay đổi khác ở ngực, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy xuất hiện khối u ngực mới.
Đau đầu và đau nửa đầu
Các hormone trong thuốc tránh thai có thể gây ra hoặc làm tăng tần suất đau đầu và đau nửa đầu. Những thay đổi trong hormone sinh dục nữ (estrogen và progesterone) có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Các triệu chứng có thể phụ thuộc vào liều lượng và loại thuốc. Ví dụ, thuốc liều thấp ít gây ra triệu chứng hơn.
Mặt khác, nếu chứng đau nửa đầu của bạn có liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt, thì việc uống thuốc này thực sự có thể làm giảm các triệu chứng.
Tăng cân
Thuốc tránh thai thường liệt kê tăng cân như một tác dụng phụ có thể xảy ra, mặc dù nghiên cứu vẫn chưa xác nhận điều này. Về lý thuyết, thuốc tránh thai có thể làm tăng khả năng giữ nước.
Thuốc cũng có thể dẫn đến tăng lượng mỡ hoặc lượng cơ. Tuy nhiên, thay vào đó, một số người lại báo cáo giảm cân khi uống thuốc.
Theo một bài báo năm 2017, vẫn chưa có đủ nghiên cứu để xác nhận liệu các hormone trong thuốc tránh thai có dẫn đến tăng cân hay giảm cân hay không.
Thay đổi tâm trạng
Nội tiết tố đóng một vai trò quan trọng trong tâm trạng và cảm xúc của bạn. Những thay đổi về mức độ hormone mà việc uống thuốc có thể gây ra, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Nếu bạn lo lắng về những thay đổi tâm trạng, bạn có thể nói chuyện với bác sỹ về sức khỏe của mình.
Mất kinh nguyệt
Uống thuốc tránh thai có thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt rất nhẹ hoặc mất kinh. Điều này là do các hormone có trong thuốc tránh thai. Tùy thuộc vào loại thuốc tránh thai mà bạn có thể bị mất một kỳ kinh nhưng vẫn an toàn (không mang thai). Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn có thể mang thai, tốt nhất bạn nên thử thai.
Thuốc tránh thai rất hiệu quả nhưng bạn vẫn có thể mang thai đặc biệt là khi sử dụng không đúng cách. Nhiều yếu tố có thể gây trễ kinh hoặc mất kinh, bao gồm: căng thẳng, bệnh, đi du lịch, vấn đề nội tiết tố, các vấn đề về tuyến giáp.
Giảm ham muốn tình dục
Thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Điều này là do sự thay đổi nội tiết tố. Ví dụ, những người khác có thể bị tăng ham muốn tình dục do giảm các mối lo ngại nào mà về việc mang thai và giảm bớt các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Tiết dịch âm đạo
Những thay đổi trong dịch tiết âm đạo có thể xảy ra khi uống thuốc. Đây có thể là sự tăng hoặc giảm chất nhờn âm đạo hoặc thay đổi tính chất của dịch tiết.
Nếu thuốc tránh thai gây khô âm đạo và bạn muốn tham gia vào hoạt động tình dục, sử dụng chất bôi trơn có thể giúp làm cho việc này thoải mái hơn. Những thay đổi này thường không có hại, nhưng những thay đổi về màu sắc hoặc mùi có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Thay đổi về mắt
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa những thay đổi nội tiết tố do thuốc tránh thai với sự dày lên của giác mạc trong mắt. Điều này không cho thấy nguy cơ mắc bệnh về mắt cao hơn, nhưng có thể sẽ khiến kính áp tròng không còn vừa vặn với mắt của bạn nữa.
Những người đeo kính áp tròng có thể nói chuyện với bác sĩ nhãn khoa của mình nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thị lực.
Nguồn: giaoducthoidai.vn