Chất kích thích thần kinh THC có trong cần sa nguy hiểm với trẻ em như thế nào?

ngày 28/10/2021

Chuyên gia cảnh báo, phụ huynh và học sinh không nên ăn 'thử' những loại 'bánh kẹo', thực phẩm có chứa THC để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần.

Tối 24/10/2021, cháu M.T.S (SN 2006, trú tại khu Trới 7, phường Hoành Bồ, là học sinh lớp 10A2 trường THPT Hoành Bồ), đến chơi với người chị họ tại tổ 5, khu Trới 3, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long.

Trong quá trình chơi ở đây, cháu M.T.S đã tìm thấy 1 túi có nhiều gói dạng thanh (giống như kẹo dẻo) trong hộp đồ chơi trên tầng 3, nghĩ là kẹo nên đã cầm về. Sáng ngày 25/10/2021, khi đi chào cờ buổi sáng tại trường, cháu M.T.S đã mang ra mời các bạn cùng ăn (tổng cộng có 13 cháu đã ăn).

Sau khi ăn, có 10 cháu có biểu hiện ngộ độc, phải đưa đi cấp cứu; qua test nhanh, phát hiện 6 cháu dương tính với chất THC (một loại chất có trong cây cần sa).

Sự việc trên đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho con em mình khi ăn phải những loại kẹo bánh không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường.

Loại "kẹo lạ" khiến nhiều học sinh tại Quảng Ninh ngộ độc chứa chất THC có trong cây cần sa.

Đại tá Tạ Đức Ninh - Nguyên Trưởng Phòng Thường trực Chương trình Quốc gia phòng chống ma túy (Bộ Công an), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy cho biết, THC - thành phần được ghi trên vỏ kẹo - là Tetrahydrocannabinol, là một trong những nhóm hợp chất hóa học được xác định có trong cần sa.

Đặc biệt, THC là chất có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người. Khi THC đi vào cơ thể, nó thay đổi cách thức hoạt động của não bộ, tạo ra cảm giác "phê" đồng thời cũng gây ra những thay đổi đáng kể lên cơ thể, bao gồm mọi loại tế bào tiêu hóa, tim mạch, gan, thận, xương, da, phổi và miễn dịch.

Chất THC cũng có thể thay đổi suy nghĩ, trí nhớ, nhận thức về thời gian và gây ảo giác hoặc ảo tưởng. Các hiệu ứng tức thì của THC thường được cảm nhận từ 10-30 phút sau khi tiêu thụ.

Các tác động tâm lý của THC bao gồm: Cảm giác hưng phấn và thư giãn; biến dạng thời gian; tăng cường kinh nghiệm giác quan; tăng cường xã hội hóa (cười và nói); tăng sự thèm ăn (đồ ăn vặt, có xu hướng thích đồ ăn ngọt...).

Ở một số quốc gia như Mỹ hay Canada, cần sa được hợp pháp hóa sử dụng vào 2 mục đích: Y tế và giải trí. Tại các nước này, nhiều loại đồ ăn có THC được làm giống y như bánh kẹo bình thường, nhìn rất bắt mắt.

Tuy nhiên, do nhiều trường hợp bị ngộc độc, cảnh sát các nước này đã phải ra cảnh báo rằng việc ăn những thứ đồ này là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt khi trẻ em, thanh thiếu niên thường ăn nhiều một lúc.

Điển hình như hồi tháng 5/2021, một số học sinh tiểu học ở thành phố Kansas (Kansas, Mỹ) đã phải nhập viện sau khi ăn một loại "kẹo" được xác nhận là có pha THC. Hay giáng sinh năm 2020, một bé gái 3 tuổi tại New Jersey đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn một gói kẹo có chứa THC...

Ông Tạ Đức Ninh - Nguyên Trưởng Phòng Thường trực Chương trình Quốc gia phòng chống ma túy (Bộ Công an), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy.

Theo ông Tạ Đức Ninh, dù sử dụng theo mục đích nào thì cần sa cũng để lại những hậu quả tiêu cực như suy giảm trí nhớ và khả năng vận động, lạm dụng có thể gây ra rối loạn lo âu, hoang tưởng.

Chất THC được đưa vào Phụ lục của Công ước Liên Hợp Quốc về các chất hướng thần theo khuyến nghị của WHO. Cần sa là một loài thực vật được đưa vào Phụ lục của Công ước riêng về ma túy và được kiểm soát chặt chẽ trong mua bán, sản xuất tùy theo luật pháp sở tại.

Tại Việt Nam, cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, nên dù bánh kẹo chứa cần sa được sản xuất ở nước nào đưa vào Việt Nam cũng đều vi phạm pháp luật. Do đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp rà soát, truy quét.

Đối với các bậc phụ huynh và các em học sinh, ông Tạ Đức Ninh cảnh báo không nên ăn "thử" những loại "bánh kẹo", thực phẩm, chế phẩm có chứa THC hay ma túy nói chung để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần.

Các bậc phụ huynh nên đọc kỹ nhãn mác, bao bì của những gói bánh kẹo mà con mình mua hoặc được cho. Đặc biệt, cần giáo dục con em về tác hại của các chất ma túy, đặc biệt là nhóm trẻ vị thành niên có xu hướng muốn khẳng định bản thân, tò mò trước những điều mới mẻ.

Đại tá Tạ Đức Ninh khuyến cáo, một số thanh thiếu niên dù biết đây không phải "kẹo" bình thường nhưng vẫn tò mò và muốn thử, nhưng cần lưu ý rằng việc đó sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

"Cần tuyệt đối tránh xa các loại đồ ăn, thức uống dưới cái tên mỹ miều được quảng cáo là "gây phê" hiện nay như: "nước vui", "bùa lưỡi", "khô gà", "trà sữa thoát xác"…, ông Tạ Đức Ninh cảnh báo. 

Nguồn: https://giadinhonline.vn/chat-kich-thich-than-kinh-thc-co-trong-can-sa-nguy-hiem-voi-tre-em-nhu-the-nao-d175514.html