Cảnh giác xuất huyết khi dùng thuốc

ngày 06/07/2021

Mẹ tôi 66 tuổi, mới phải cấp cứu do đi tiểu ra máu. Bác sĩ đã kết luận bà bị xuất huyết bàng quang do dùng thuốc chống đông acenocoumarol cùng với thuốc fenofibrate. Trước đó mẹ tôi phải mổ thay van tim nên có chỉ định dùng acenocoumarol. Gần đây mẹ tôi dùng thuốc fenofibrate để trị mỡ máu. Xin giải thích rõ hơn về tình trạng này và mẹ tôi phải làm thế nào để điều trị bệnh?

Hải Hà (Thái Bình)

Acenocoumarol thuộc nhóm thuốc chống đông máu, được chỉ định điều trị dự phòng huyết khối trong mạch máu. Thuốc chỉ ngăn không cho huyết khối hình thành và tăng lên về kích thước, chứ không làm tan huyết khối; được chỉ định trong một số trường hợp bệnh như bệnh lý van tim, thay van tim nhân tạo, rung nhĩ, viêm tắc tĩnh mạch sâu, tắc động mạch phổi…

Khi phải uống thuốc chống đông, cần thận trọng uống cùng thuốc khác.

Dù không thường gặp, nhưng thuốc có thể gây chảy máu (xuất huyết), trên khắp cơ thể: Hệ thần kinh trung ương, các chi, các phủ tạng, trong ổ bụng, trong nhãn cầu,…

Các tác dụng xuất huyết của thuốc còn nặng lên khi dùng thuốc hạ lipid máu dẫn chất fibrat như fenofibrat. Điều này là do, fenofibrat làm tăng tác dụng của các thuốc uống chống đông và do đó làm tăng nguy cơ xuất huyết. Vì vậy, chống chỉ định dùng 2 loại thuốc này cùng với nhau.

Theo như thư bạn kể, mẹ bạn dùng acenocoumarol theo đơn sau khi phẫu thuật thay van tim đúng theo chỉ định của bác sĩ, nhưng vì sao mẹ bạn lại dùng fenofibrat thì bạn không nêu rõ.

Với người cao tuổi mắc bệnh lý mạn tính, đặc biệt bệnh phức tạp như tim mạch thì khi dùng bất kỳ thuốc gì, bác sĩ đều phải cân nhắc giữa lợi ích và tác hại, không thể kê đơn thuốc bừa bãi. Chắc chắn sau khi điều trị bệnh cho mẹ bạn ổn định, bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ có lời khuyên cụ thể cho gia đình. Tuy nhiên, điều bạn cần lưu ý là không để bà tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ.

Trong chế độ ăn, cần lưu ý hạn chế các loại thực phẩm giàu vitamin K. Vì vitamin K có thể gây cản trở tác dụng thuốc acenocoumarol. Các loại thực phẩm có chứa vitamin K như cải xoăn, trà xanh, măng tây, bơ, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, mù tạc, gan, dầu đậu tương, đậu nành, đậu đậu Hà Lan, đậu xanh), củ cải, mùi tây, hành xanh, và rau diếp…

Cần lưu ý, người bệnh luôn mang theo sổ khám sức khỏe, đơn thuốc đang dùng khi đi khám bệnh ở những lần sau. 

PGS.TS.Nguyễn Đức Hải

Nguồn: Suckhoedoisong.vn