Biến chủng Ấn Độ đáng quan ngại cấp toàn cầu

ngày 11/05/2021

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 159.567.148 ca, trong đó có 3.316.430 người tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 138.137.396 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.113.322 ca và 106.529 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 10/5, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Mỹ vẫn là nước có số bệnh nhân và ca tử vong cao nhất thế giới, với 33.508.947 ca nhiễm và hơn 596.133 ca tử vong, song “tâm dịch thế giới” đang chứng kiến xu thế hạ nhiệt. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 423.229 ca trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm với 22.991.927 ca.

Ngày 10/5, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Quyết định rất được mong đợi này là một bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học từ mùa Thu tới.

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 45.566.081 ca nhiễm và 1.036.925 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á - ghi nhận 44.372.523 ca mắc, trong đó có 574.839 ca tử vong. Tiếp đó là khu vực Bắc Mỹ với 38.898.092 ca nhiễm và 872.549 ca tử vong.

Cùng ngày, dịch bệnh Covid-19 tại tâm dịch Ấn Độ đã ghi nhận tín hiệu tích cực đầu tiên khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức 329.517 ca, giảm so với ngưỡng 400.000 ca mắc/ngày được ghi nhận những ngày gần đây. Số ca tử vong mới là 3.879 ca, chấm dứt chuỗi hai ngày liên tiếp số trường hợp không qua khỏi được ghi nhận ở ngưỡng trên 4.000 ca/ngày. Hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 ở quốc gia Nam Á này là trên 250.000 ca.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng số liệu thực tế của Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo. Nhiều bang tại Ấn Độ đã áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng qua, trong khi các bang khác áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với sức ép kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Cùng ngày, Bộ Y tế Nga cho biết vaccine ngừa Covid-19 mà nước này sản xuất, mang tên Sputnik Light, có thể bảo quản trong 6 tháng trong trạng thái đông đá với nhiệt độ dưới 18 độ C, và bảo quản trong 1 tháng khi ở dạng lỏng với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Vaccine có thể được đóng gói dưới dạng lọ nhỏ hoặc ống tiêm với các iều lượng khác nhau.

Một liều cần thiết để tiêm là 0,5ml. Theo Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Gamaleya và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, vaccine Sputnik Light cho thấy hiệu quả (28 ngày sau khi tiêm) là 79,4% và có tác dụng phòng ngừa đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, chưa cho thấy phản ứng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong quá trình thử nghiệm vaccine này. Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh với giá thành sản xuất rẻ (dự kiến dưới 10 USD) và chỉ cần tiêm một mũi.

Trong khi đó, Thị trưởng thủ đô London (Anh) Sadiq Khan đã phát động chiến dịch trị giá 6 triệu bảng (8,4 triệu USD) nhằm thu hút du khách trở lại thành phố này, "đón đầu" quyết định của chính phủ dỡ bỏ các hạn chế trên khắp nước Anh. Chiến dịch này được đưa ra nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau nhiều tháng đóng cửa và phong tỏa nhằm khống chế đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, trong ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ công bố giai đoạn nới lỏng tiếp theo, dự kiến có hiệu lực từ ngày 17/5, qua đó cho phép mở cửa trở lại các quán rượu (pub) và nhà hàng phục vụ trong nhà. Nhiều khả năng các rạp chiếu phim và một số địa điểm giải trí trong nhà quy mô lớn cũng sẽ được hoạt động trở lại trong giai đoạn này.

Tương tự, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định quốc gia này sẽ cho phép mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời theo đúng kế hoạch vào ngày 19/5 khi số ca bệnh Covid-19 cần điều trị tích cực đang giảm dần. Ông khẳng định tình hình hiện nay khá triển vọng khi số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tích cực tại Pháp ngày 9/5 đã giảm xuống dưới mức 5.000 ca, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.869 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 71.310 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong vẫn xấp xỉ 100 trường hợp.

Tại Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/5 ghi nhận thêm 1.630 ca bệnh mới và có 22 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 506 bệnh nhân mới trong ngày 10/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh, thành.

Ngày 10/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, đã được phân loại ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.

Trả lời phóng viên, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết biến thể B.1.617 dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine.

Bà Van Kerkhove cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang phân loại đây là biến thể gây quan ngại ở cấp độ toàn cầu".

Theo TTXVN