Bệnh than là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, khi tiến triển có thể gây sốc, suy đa tạng, viêm màng não, thậm chí tử vong.
Ba tuần gần đây, Sở Y tế Điện Biên ghi nhận 14 bệnh nhân mắc bệnh than, trong đó một trường hợp không rõ nguồn lây. Tất cả được theo dõi, uống kháng sinh dự phòng, không có trường hợp tử vong. Nhà chức trách khoanh vùng 132 người tiếp xúc với các bệnh nhân, theo dõi.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh than là bệnh truyền nhiễm thường phát hiện trên các loài gia súc, động vật hoang dã và ở người.
Tác nhân chính gây bệnh là vi khuẩn Bacillus anthracis có khả năng sinh nha bào. Bào tử của vi khuẩn này tồn tại rất lâu, được ví như "áo giáp" trong môi trường tự nhiên, có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng.
"Bệnh than do vi khuẩn, không phải do virus, nên khó bùng phát thành đại dịch mà chỉ là ổ dịch lẻ tẻ, khó lây", bác sĩ nói.
Theo Bộ Y tế, bệnh than thuộc nhóm B trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây nhiễm qua da, là thể phổ biến nhất và ít nguy hiểm nhất. Người tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật chết do bệnh than, có thể bị bào tử vi khuẩn than xâm nhập vào cơ thể thông qua vết xước, vết thương hở trên da.
Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ gia súc mắc bệnh. Bệnh cũng truyền qua đường hô hấp.
Dấu hiệu đặc trưng là tổn thương dưới da, ngứa, nhiễm trùng như khi bị côn trùng đốt. Sau đó, vết thương sưng nề, mụn nước và phát triển thành nốt loét màu đen. Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da.
Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng như sốt cao kèm ớn lạnh, tím tái, khó thở, ra mồ hôi đầm đìa, đau đầu, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm màng não, nhiễm độc toàn thân, thậm chí tử vong. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh dự phòng qua đường uống hoặc kết hợp truyền qua tĩnh mạch.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay, tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc. Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra, bằng xà phòng dưới vòi nước.
Cơ sở giết mổ gia súc cần được vệ sinh, đảm bảo thông gió tốt. Công nhân được kiểm tra sức khỏe thường kỳ, sử dụng quần áo bảo hộ lao động, nhà vệ sinh thích hợp để tắm giặt và thay quần áo sau khi làm việc. Thường xuyên kiểm tra nước và chất thải từ nhà máy chế biến súc vật để phòng bệnh.
Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách bằng cách chôn sâu, rải bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.
Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.
Nguồn: VnExpress