Vì sao cần bảo vệ mũi họng trước nguy cơ tấn công của COVID-19?
Bệnh COVID -19 tấn công vào phổi, tim và các mạch máu của cơ thể con người để hủy hoại và làm cho bệnh diễn biến nặng nề và có thể tử vong do suy tuần hoàn và suy hô hấp.
Nhiều nhà khoa học cũng đang nghiên cứu các biện pháp làm chậm quá trình tấn công hoặc bất hoạt SARS-CoV-2 tại mũi và họng. Các nghiên cứu được công bố đã chỉ ra trong mũi người nơi có các tế bào thần kinh khứu giác và ở phần họng mũi (nơi lấy dịch làm xét nghiệm SARS-CoV-2) có một loại protein có tên ACE2 chính là địa điểm mà virus tấn công và lây truyền bệnh.
Các bác sĩ lâm sàng cũng cho biết 30% triệu chứng của người bệnh mắc COVID -19 có biểu hiện mất ngửi hoặc mất vị giác. Để ngăn chặn SARS-CoV-2 tại mũi, họng một số khuyến cáo đang được các bác sĩ tư vấn người bệnh thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Làm sạch niêm mạc mũi họng, qua đó giảm lượng kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, trong đó có các loại virus.
- Làm bong lớp bảo vệ trên bề mặt của virus qua đó làm bất hoạt virus gây bệnh.
- Sử dụng nguyên lý khử khuẩn giống như nguyên tắc loại bỏ vi khuẩn, virus trong động tác rửa tay bằng xà phòng.
Cần xịt mũi đúng cách để tăng hiệu quả bảo vệ mũi.
Sử dụng các thuốc bảo vệ mũi họng như thế nào?
Thực tiễn, nhiều loại thuốc rửa mũi, xịt mũi, súc họng, xịt họng được bào chế theo các nguyên lý này. Như vậy trong thành phần thuốc xịt mũi, súc họng là các chất kháng viêm, khử khuẩn, làm sạch… với nồng độ phù hợp với môi trường của niêm mạc mũi họng. Ví dụ như nước muối sinh lý 0,9% pha với iod pha loãng có thể sử dụng cho niêm mạc mũi họng để nhỏ hoặc súc họng, ngậm họng ngày 2-3 lần trong 5 phút. Các thành phần để kháng viêm và khử khuẩn thường được dùng trong thuốc xịt mũi hoặc súc họng là: Sodium bicarbonate, sodium borate, sodium benzoat, menthol, nano bạc, nano nghệ… Các hoạt chất này vừa có tác dụng làm sạch, chống viêm lại vừa có tác dụng giúp lành nhanh các tổn thương niêm mạc mũi họng do virus và vi khuẩn gây ra. Điều này sẽ làm cho vi khuẩn khó xâm nhập vào trong tế bào niêm mạc mũi họng và tránh gây bệnh cũng như tránh được lây truyền bệnh. Để các thuốc xịt mũi và súc họng có hiệu quả, bạn cần sử dụng đúng các loại thuốc này.
Thuốc xịt mũi
Bạn không nên cứ rút thuốc xịt mũi từ trong túi, hộp… rồi xịt mũi, các thuốc xịt mũi đều có quy trình chặt chẽ của nó. Vì vậy để thuốc phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ bạn cần chú ý một số điểm sau:
- Chuẩn bị trước xịt:
+ Rửa sạch tay bằng xà phòng.
+ Lắc nhẹ chai xịt mũi.
- Thực hiện động tác xịt mũi:
+ Dựng chai thuốc theo phương thẳng đứng và hướng đầu xịt lên trên.
+ Ấn nhẹ vào một bên mũi để bịt lỗ mũi.
+ Nhẹ nhàng bấm đầu chai xịt vào bên mũi còn lại.
+ Hít thật sâu khi bạn đang bấm chai thuốc để thuốc thấm sâu vào niêm mạc mũi.
+ Lặp lại theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần cách nhau 10 giây.
- Sau khi xịt thuốc xong, bạn nên:
+ Đậy nắp chai xịt.
+ Rửa sạch tay để loại bỏ thuốc còn dính.
+ Bảo quản chai thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhãn thuốc.
Thuốc súc họng
Không nên lạm dụng thuốc súc họng.
Thuốc súc họng thường dùng 2-4 lần/ngày, 1-2 ngụm đầu súc thật sạch họng, sau đó ngậm thuốc trong 5 -10 phút rồi nhổ thuốc ra, tuyệt đối không nuốt thuốc.
Thuốc súc họng cũng có tác dụng không mong muốn, chống chỉ định và chỉ nên sử dụng khi có chỉ định phù hợp. Ví dụ, eludril chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi, betadine dùng cho trẻ em trên 30 tháng tuổi và những người không có bệnh lý về tuyến giáp. Chlorhexidine có thể gây đổi màu men răng và chất trám, gây loét, khô miệng hay thay đổi vị giác... thậm chí có thể gây phản ứng dị ứng nặng và phản vệ.
Ngoài ra, nếu dùng không đúng cách, việc súc họng có thể gây sặc ở người già, dẫn tới viêm phổi do hóa chất dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ nhỏ (cân nặng dưới 10kg) nuốt phải 30-60ml chlorhexidine gluconate có thể gây kích thích tiêu hóa, buồn nôn, nhiễm độc cồn...
Thuốc súc họng không được sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu nào mà người sử dụng thuốc thấy có biểu hiện bất thường, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để xử trí kịp thời.
Sử dụng thuốc súc họng ở phụ nữ có thai hoặc cho con bú đem lại kết quả và độ an toàn cao. Bạn cần lưu ý, thuốc súc họng cũng có một tỷ lệ nhỏ hấp thu vào máu vào cơ thể của thai nhi theo nhau thai hoặc vào cơ thể trẻ còn bú qua sữa nên cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của thầy thuốc.
Thuốc súc họng chỉ nên sử dụng dưới 10 ngày, trừ nước muối. Nếu sử dụng quá dài gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của các vi khuẩn, virus tại họng mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho mầm bệnh bên ngoài tấn công.
PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Nguồn: Suckhoedoisong.vn