Ba cách giảm muối trong bữa ăn

ngày 19/10/2020

Theo số liệu điều tra mới nhất của Bộ Y tế, hiện nay hàng ngày trung bình mỗi người chúng ta đang ăn thừa gấp đôi lượng muối theo khuyến cáo. 70-80% lượng muối chúng ta ăn hàng ngày được cho vào trong quá trình chế biến và khi ăn.

Theo ThS. BS. Ngô Võ Ngọc Hương – khoa Tim mạch Tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 - thói quen ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.

Nếu ăn mặn, lượng muối vào cơ thể quá nhiều làm tăng áp suất thẩm thấu, tế bào trương phồng giữ nước làm tăng sức cản ngoại vi. Cơ trơn thấm nhập nhiều muối làm trơn thành mạch, tăng sức cản gián tiếp dẫn tới tăng huyết áp.

3 cách giảm muối trong bữa ăn (Ảnh minh họa.)

Ăn nhiều muối phản xạ tự nhiên làm khát nước nên uống nhiều nước làm tăng thể tích tuần hoàn và làm tăng huyết áp. Vì thế, muối được coi là nguyên nhân tăng huyết áp.

Tăng huyết áp đang là kẻ thù thầm lặng gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn người mỗi năm do nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận… Vì vậy, BS Hương nhấn mạnh giảm được lượng muối vào cơ thể là cách tốt nhất phòng tăng huyết áp.

Hãy bắt đầu thực hiện việc giảm muối trong chế độ ăn ngay từ khi lên kế hoạch đi chợ và nấu ăn.

Thứ nhất, hãy ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt muối, cá hộp, thịt hộp, xúc xích, giò, chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, các đồ ăn vặt như bim bim, hạt điều, lạc rang muối … vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Đôi khi bạn vẫn muốn ăn các thực phẩm chế biến sẵn thì một cách có thể giúp bạn lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng muối ít hơn là xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn của thực phẩm.

Thứ hai, lựa chọn cách chế biến món ăn. Bạn hãy chọn chế biến các món luộc, hấp thay cho các món cần cho nhiều gia vị mặn vào trong quá trình chế biến như các món kho, rim, rang. Bạn cũng đừng chế biến các món như đậu phộng rang muối vì sẽ làm tăng đáng kể lượng muối ăn vào.

Thứ ba, khi nấu ăn hãy nhớ nếm thức ăn trước khi cho thêm gia vị để đảm bảo bạn chỉ cho một lượng vừa đủ, không cho quá nhiều. Không nên cho muối hay gia vị có nhiều muối vào nước luộc rau. Ngoài ra, bột ngọt là gia vị cho vị ngọt nhưng trong thành phần có chứa natri - tương tự thành phần chính của muối ăn. Do đó không nên lạm dụng quá nhiều bột ngọt. Điều này thường hay thấy ở các hàng quán khi người bán hàng cho rất nhiều bột ngọt để tạo vị ngon ngọt cho món ăn. Do đó tốt nhất hãy tự nấu ăn ở nhà để có thể chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào của mình.

Vì chúng ta đang ăn vào gần gấp đôi lượng muối theo khuyến cáo, nên hãy giảm một nửa lượng muối và gia vị chứa nhiều muối khi chế biến món ăn.

Việc giảm ăn muối nên thực hiện từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể làm quen và thích nghi dần. Bạn cũng có thể giảm lượng gia vị mặn chứa nhiều muối cho vào trong món ăn bằng cách chế biến món ăn với các loại gia vị khác để làm tăng cảm giác vị giác bù cho giảm vị mặn.


Nguồn: Báo Infonet