'Ăn dao' mổ đẻ không sợ bằng 6 tiếng nằm phòng hậu phẫu

ngày 28/04/2020

Trong suốt thời kỳ mang bầu bé Sóc tôi rất khỏe mạnh, cân nặng tăng bình thường nên tôi luôn sẵn sàng tâm lý sẽ sinh thường để tốt nhất cho con. Thế nhưng gần đến ngày sinh, tôi bỗng dưng bị mất ngủ. Tôi vào nhiều diễn đàn trên mạng thì thấy rất nhiều mẹ chia sẻ về chuyện phải mổ đẻ vì gặp khó khi sinh. Bất giác tôi lo lắng khi nghĩ đến bản thân mình.

Sáng thứ 7 hôm ấy, bỗng dưng tôi bị vỡ ối tại nhà dù còn 1 tuần nữa mới tới ngày dự sinh. Chị chồng và chồng vội vàng đưa tôi vào bệnh viện.

Cảm giác đau đẻ thật kinh khủng. Đau như cắt từng khúc xương. Mỗi lần bác sĩ vào khám lại nói “2 phân, chờ thêm nhé". Tôi đau bụng dồn dập từ 9h sáng đến 12h trưa đã thấy khổ sở vô cùng mà mới mở được hai phân? Chờ bao giờ đến 8 phân, 10 phân để đẻ bây giờ.

Nằm không được, ngồi không xong, tôi đứng vịn giường và cố gắng lê từng bước chân, hít thở chịu đựng cái đau để chờ đẻ.

Đầu giờ chiều, cả nhà sốt sắng vì thấy tôi đau quá, đau đến kiệt sức. Khi chị bác sĩ vào khám thì vẫn chưa đẻ được, phải chờ thêm. Tôi gần như cầu xin chị cho tôi mổ đẻ nhưng chị vẫn động viên cố gắng chờ thêm chút nữa.

Cuối cùng, bác sĩ trưởng khoa ra khám và dặn chờ thêm 1 tiếng nữa nếu không đẻ thường được thì sẽ mổ vì vỡ ối sớm rồi.

Khoảnh khắc mổ đẻ (ảnh minh họa)

1 tiếng trôi qua dài như bất tận với những cơn đau, tôi được bác sĩ truyền dịch, tử cung bắt đầu mở được 4cm nhưng vẫn không đẻ thường được. Tôi kiệt sức trên bàn đẻ và câu cuối cùng tôi nghe được từ bác sĩ đó là đưa vào phòng mổ ngay.

Như người đuối nước vớ được cọc, cả cơ thể nhẹ bẫng, chân không còn cảm giác, tôi hết cảm giác đau sau liều thuốc gây tê. Khuôn mặt tôi cách bác sĩ phẫu thuật một tấm rèm, tôi lơ mơ thấy có người ấn bụng mình. Tôi cứ nghĩ thời gian gây tê đến lúc mổ phải 30 phút là ít, nhưng chỉ vài phút thôi tôi đã thấy óp ép ở bụng dưới. Chị y tá đứng cạnh hỏi tôi nhiều câu đại khái thấy thế nào, có mệt không... Tôi không nói được gì chỉ gật đầu. Mãi sau này tôi mới biết chị ấy hỏi để tôi quên không ngủ.

Tôi láng mang nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ và bác sĩ nói cháu là bé trai. Cháu được đưa ra bàn sơ sinh ngang với bàn mổ của tôi. Tôi nhìn rõ con trai mình. Chị bác sĩ đưa cho hai mẹ con tôi chạm da nhau rồi đưa cháu đi.

Sau khi khâu vết mổ, nhân viên y tế đưa tôi sang phòng hậu phẫu. Đây mới thực là nơi khiến tôi sợ hãi. Lúc này phòng hậu phẫu chỉ có tôi và 4 người khác. 4 bệnh nhân này đều là người được phẫu thuật gây mê, chỉ có tôi là gây tê.

Khi một người thoát mê, tiếng ho bật lên khùng khục, bác sĩ liên tục gọi “Minh này, Minh mở mắt ra xem nào, Minh ơi, Minh ơi…”. Trong khi đó, toàn thân tôi cảm giác lạnh toát, chân và tay run lên cầm cập, run tới mức cả chiếc cáng dường như cũng rung theo. Tôi sợ hãi nghĩ về cái chết.

Ngước mắt nhìn đồng hồ, lúc này mới 4h chiều, bác sĩ nói tôi ở đây tới 8h tối mới được chuyển ra phòng thường. Hai hàng nước mắt tôi cứ lăn dài trên má mong chờ tới giây phút ôm con vào lòng.

Trong 4 tiếng đồng hồ, một chốc lại có cáng đẩy vào phòng hậu phẫu: người mổ đẻ, người mổ u xơ, người chọc trứng…

Cạnh giường tôi cũng là một chị vừa mổ đẻ. Chị bị dị ứng thuốc gây tê. Chị liên tục kêu lạnh, vừa khóc vừa xin chăn đắp. Đắp thêm 1 cái chăn rồi 2 chăn vẫn chưa đủ, chị ấy lại gọi “bác sĩ ơi cứu em, em lạnh quá...”.

Có lẽ, ở phòng hậu phẫu lúc này tôi là tỉnh táo nhất. Tôi không thể ngủ được và lúc nào cũng sợ hãi. Tôi sợ ngủ đi mình sẽ không tỉnh lại nữa. Mỗi khi có bệnh nhân thoát mê, người tôi lại run lên.

Tôi nghĩ tới những người sinh thường, sinh xong là được nằm ôm con còn tôi thì nằm một mình nơi phòng hậu phẫu lạnh lẽo. Cứ nghĩ tới con trai, tôi lại nhìn chiếc đồng hồ ở góc phòng hồi sức. 8h tối đã đến nhưng tôi vẫn chưa thể về với con vì cáng tôi nằm góc trong cùng phòng hậu phẫu, phải đợi nhân viên y tế đưa hết bệnh nhân phía ngoài ra. Vậy là đến 10h tối tôi mới nghe được cuộc điện thoại của nhân viên y tế gọi cho chồng vào cửa phòng đón tôi.

Khi ra khỏi phòng hậu phẫu, nhìn thấy chồng và chị chồng, tôi bật khóc tu tu tưởng như mình vừa thoát cửa tử. Đến giờ Sóc đã được 3 tuổi mà cảm giác của ngày hôm đó vẫn luôn khiến tôi rùng mình. Khoảnh khắc sợ hãi nhất không phải là lúc “ăn dao” mà chính là lúc nằm trong phòng hậu phẫu.


Nguồn: Báo Infonet