4 nhóm thực phẩm người bệnh hen phế quản nên ăn

ngày 08/07/2022

Bệnh hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm chống oxy hóa, vitamin cũng có thể làm giảm tình trạng viêm gây ra các triệu chứng hen phế quản.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh hen phế quản

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh nhân hen phế quản thường có biểu hiểu hiện: Ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần, hay gặp về đêm khuya, nửa đêm về sáng.

Nội dung

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh hen phế quản
2. Các biện pháp kiểm soát bệnh hen phế quản
3. Người bệnh hen phế quản nên ăn gì?
4. Thực phẩm nào cần tránh?

Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản nên rất khó thở, đặc biệt khó thở ra. Khó thở tạo thành tiếng rít như tiếng cò cử.

Người bệnh hen có thể đột ngột khởi phát cơn hen cấp khi: Thời tiết thay đổi; tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; gắng sức; tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: phấn hoa, da lông súc vật, hóa chất, nấm mốc; một số thực phẩm, thuốc... cũng đều có khả năng khởi phát cơn hen ở người có cơ địa nhạy cảm và nhiều trường hợp biểu hiện rất nặng nề.

Trong cơn hen cấp nếu không xử trí kịp thời có thể xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong hoặc gây tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Ngoài ra nếu suy hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu ôxy não.

Đối với bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính, tình trạng suy hô hấp càng trầm trọng, có nguy cơ tử vong cao.

Về diễn biến lâu dài, hen phế quản có thể gây ra giãn phế nang, khí phế thũng, chuyển sang tâm phế mạn (từ đường hô hấp dẫn đến suy tim phải). Vì vậy ngay khi có biểu hiện cơn hen cấp cần phải xử trí nhanh chóng và đúng cách. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị dự phòng tốt để ngăn ngừa tái phát.

Khó thở là dấu hiệu điển hình của bệnh hen phế quản.

2. Các biện pháp kiểm soát bệnh hen phế quản

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn và tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh.

- Khi biết mình bị hen phế quản, bệnh nhân cần hết sức thận trọng vì cơn hen có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào, đặc biệt khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng đã kể trên.

- Luôn phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi thay đổi thời tiết. Chú ý phòng và điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm... dễ làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.

- Không nên lao động quá nặng, vận động quá sức. Nên làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Vì các hoạt động gắng sức quá mức cũng là yếu tố khởi phát cơn hen đối với một số người.

Người bệnh hen phế quản luôn phải ghi nhớ tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích phát cơn hen hoặc làm nặng bệnh. Luôn mang thuốc dự phòng theo người. Ghi nhớ loại thuốc cần sử dụng thận trọng ở người bệnh hen. Cần liên hệ ngay với bác sĩ khi tình trạng hen không cải thiện hoặc có diễn biến nặng dần lên.

TS. BS Phạm Thị Bích Thủy nói.

Đặc biệt cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Trong chế độ ăn uống nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin giúp làm giảm các triệu chứng bệnh, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa tái phát hiệu quả.

3. Người bệnh hen phế quản nên ăn gì?

Mặc dù không có loại thực phẩm hoặc chế độ ăn uống cụ thể nào là tốt nhất cho bệnh nhân hen phế quản nhưng một chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng và lành mạnh phải là một phần quan trọng trong điều trị và kiểm soát bệnh hen phế quản. Những thực phẩm tốt nhất cho người bệnh hen bao gồm nhiều trái cây và rau tươi, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và magiê.

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh hen phế quản.

3.1. Tăng cường ăn rau và trái cây tươi hỗ trợ chức năng phổi

Thực phẩm nên ưu tiên trong chế độ ăn uống của người mắc bệnh hen phế quản là rau và trái cây tươi. Chúng không chỉ chứa ít calo giúp duy trì cân nặng mà còn chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể hỗ trợ chức năng phổi khỏe mạnh. Thừa cân cũng có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen phế quản

Trái cây và rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta-carotene và vitamin C và E. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là táo và cam, có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh hen và giảm thở khò khè.

Chuối cũng có thể làm giảm tỷ lệ thở khò khè ở trẻ em do hàm lượng chất chống oxy hóa và kali cao có thể cải thiện chức năng phổi.

Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn các loại rau quả khác như: bông cải xanh, quả mọng, rau lá xanh, dưa và bơ.

3.2. Thực phẩm giàu vitamin

- Thực phẩm giàu vitamin A: Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin A có thể giúp chống lại stress oxy hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và cải thiện chức năng phổi.

Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà chua, cà rốt và các loại rau lá có thể cải thiện chức năng phổi và giảm các cơn hen ở người lớn.

Vitamin A giúp cải thiện chức năng phổi.

- Vitamin D: Vitamin D giúp tăng cường miễn dịch và có thể làm giảm viêm đường thở. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bổ sung vitamin D có thể làm giảm tỷ lệ các cơn hen suyễn cần điều trị bằng corticosteroid.

Ngoài việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đầy đủ, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm như cá hồi, sữa và các sản phẩm từ sữa để được bổ sung vitamin D.

- Vitamin E: Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Nó cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen như ho và thở khò khè. Các nguồn cung cấp vitamin E dồi dào bao gồm các loại hạt, cải xanh, bông cải xanh và cải xoăn.

3.3. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và hỗ trợ phổi khỏe mạnh. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: Sô cô la đen, quả việt quất, atisô, dâu tây, cải xoăn, quả mâm xôi, bắp cải đỏ, củ cải, rau chân vịt…

3.4. Thực phẩm giàu magiê

Nghiên cứu cho thấy, bổ sung thực phẩm giàu magiê giúp giảm viêm và thư giãn cơ phế quản để không khí ra khỏi phổi.

Người bệnh hen nên ăn các thực phẩm giàu magiê bao gồm: Hạt bí ngô, rau chân vịt, hạt điều, cá hồi, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại ngũ cốc…

Thực phẩm giàu magiê.

4. Thực phẩm nào cần tránh?

- Người bệnh hen phế quản nên tránh ăn các loại thực phẩm như: đậu, bắp cải, đồ uống có gas, tỏi, hành và đồ chiên rán. Chúng có thể gây đầy hơi, chướng bụng, dễ dẫn đến tức ngực, khó thở và lên cơn hen.

- Thực phẩm dễ gây dị ứng: Người bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử hen phế quản nên lưu ý tránh thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, con nhộng, hạt cây… Nếu đã xác định được loại thức ăn mình bị dị ứng thì tuyệt đối không ăn loại thức ăn đó nữa.

- Thức ăn nhanh: Nên hạn chế thức ăn nhanh vì những thức ăn này chứa nhiều chất béo bão hòa, chất phụ gia và natri. Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, nó có thể gây ra những nguy cơ xấu với sức khỏe và làm các triệu chứng trầm trọng hơn.

- Thực phẩm chứa sulfite: Sulfite là hóa chất thường được thêm vào thực phẩm và đồ uống để cải thiện mùi vị, hình thức hoặc thời hạn sử dụng. Những thức ăn như dưa cải bắp, trái cây sấy khô, thực phẩm ngâm chua… có hàm lượng sulfite rất cao. Những thực phẩm này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dẫn đến phản ứng bất lợi ở một số người bị bệnh hen phế quản.

Nguồn: suckhoedoisong.vn