3 thách thức khi điều trị ung thư ở Việt Nam

ngày 02/02/2022

Tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam đứng 90/185 quốc gia nhưng tỉ lệ tử vong đứng thứ 50.

Ngày 4-2 hằng năm được chọn là ngày thế giới phòng chống ung thư hay ngày Ung thư thế giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư, cách phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh.

Nhân dịp này, PLO xin giới thiệu bài viết của BS Nguyễn Triệu Vũ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) về tình hình ung thư trên thế giới cũng như Việt Nam và những mặt tích cực và hạn chế khi điều trị ung thư hiện nay.

Bệnh ung thư tăng là xu hướng tất yếu

Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO) vừa công bố số liệu về tình hình ung thư tại thế giới và Việt Nam, cho thấy số bệnh nhân ung thư trên thế giới tiếp tục gia tăng với 19,3 triệu ca mới trong năm 2020 so với 18,1 triệu ca trong năm 2018, số ca tử vong do ung thư cũng tăng tương ứng từ 9,6 triệu ca tăng lên 10 triệu ca. Dự đoán số ca mới sẽ tăng lên 28,4 triệu ca vào năm 2040 (47%).

Tại Việt Nam, tình hình cũng tương tư khi số ca cũng tăng từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 18.2000 ca mới vào năm 2020, và bệnh tử vong do ung thư cũng tăng từ 115.000 người lên 123.000 người sau 2 năm.

Số lượng người bệnh ung thư tăng là xu hướng tất yếu của thế giới do dân số ngày càng đông lên và số người dân lớn tuổi ngày càng nhiều nhờ vào việc điều trị tốt các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, các bệnh truyền nhiễm lao, HIV và bệnh COVID-19 gây ra nhiều hệ lụy toàn cầu cũng như tại Việt Nam nhưng đã được kiểm soát tốt nhờ có vaccine. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác góp phần làm tăng số bệnh nhân ung thư như lối sống sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, lười vận động, môi trường sống ô nhiễm, cơ địa dễ mắc ung thư

Việt Nam mặc dù tỉ lệ bệnh ung thư có tăng nhưng đây là xu hướng chung, không phải là điều quá lo lắng do dân số ngày càng tăng và lớn tuổi, công tác ghi nhận ung thư cộng đồng ngày càng đầy đủ và chính xác hơn, người dân ý thức và chịu khó khám bệnh hơn trước đây. Tuy nhiên, điều thách thức là tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam đứng 90/185 quốc gia nhưng tỉ lệ tử vong đứng thứ 50, cho thấy phần lớn bệnh ung thư khi phát hiện đã ở giai đoạn trễ. Việc tiếp cận điều trị còn khá khó khăn do hệ thống giao thông chưa đồng bộ và chuyên khoa ung thư chưa được phát triển ở khắp các tỉnh thành.

Số bệnh nhân ung thư gia tăng là xu hướng tất yếu. Ảnh minh họa: internet

Phần lớn chương trình tầm soát ung thư không hiệu quả

Mặc dù mọi người thường nói về phòng ngừa, nhưng thật ra phần lớn các loại ung thư là không phòng ngừa được, điều này được thể hiện rõ qua tỉ lệ mắc bệnh cao tại các nước phát triển với điều kiện môi trường, thực phẩm… tốt hơn các nước còn lại. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư là một thách thức, tại một số nước, bệnh nhân phải chờ đến 6 tháng mới có kết quả xét nghiệm khối u. Chưa đến 30% bệnh nhân tại các nước đang phát triển có thể tiếp cận đầy đủ với điều trị. Bác sĩ xạ trị, phẫu thuật… đều thiếu.

Nhiều nước đưa ra chương trình tầm soát, nhưng phần lớn đều mang tính hình thức và không hiệu quả, vì không chỉ là xét nghiệm mà còn là cả một hệ thống y tế tiếp tục theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau đó. Việt Nam là nước có chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung khá hiệu quả, và tỉ lệ bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đã giảm nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc tầm soát các loại ung thư khác còn mang tính lẻ tẻ, tự phát, hiệu quả không cao và thiếu một cơ quan điều phối hiệu quả.

Năm 2013, WHO đã đưa ra chương trình hành động toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư với mục tiêu giảm 25% các trường hợp tử vong các bệnh này vào năm 2025. 158/190 quốc gia thuộc Liên hợp quốc có chương trình hành động quốc gia nhưng chỉ 7% có kế hoạch cụ thể và 11% có ngân sách và nguồn lực để thực hiện, do đó có thể nói rằng phần lớn các chương trình đều trên giấy và không bao giờ được thực hiện. Một chuyên gia của WHO từng mỉa mai rằng, nhiều nơi chưa xây dựng được cơ sở hoàn chỉnh để điều trị ung thư nhưng lại cố gắng mua phẫu thuật robot nhằm mục đích thương mại và quảng cáo.

Việc tiếp cận với các thuốc thiết yếu cũng là một vấn đề lớn, với 21 loại thuốc đặc trị thiết yếu giá rẻ có thể điều trị hơn 80% loại ung thư, nhưng việc thiếu thuốc thường xuyên xảy ra, nguyên nhân có thể do là thuốc giá rẻ nên không hấp dẫn các công ty dược, các nhà đầu tư và hoạch định chính sách. Bệnh nhân ung thư tại các nước đang phát triển rất khó tiếp cận với morphin, là thuốc giảm đau chính cho giai đoạn cuối, với hơn 90% lượng morphin được sử dụng tại các nước phát triển, dưới 10% tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, hiện tại có đầy đủ các thuốc giảm đau cho bệnh nhân, tuy nhiên thủ tục pháp lý cũng như thời gian cấp thuốc khá ngắn là rào cản cho nhiều bệnh nhân.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến điều trị ung thư

2 năm qua thế giới chịu đựng sự hoành hành của đại dịch COVID-19, và ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề sức khỏe khác trong đó có bệnh ung thư. Tổ chức y tế thế giới (WHO) tiến hành khảo sát trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh, việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ… Nguyên nhân do nhiều yếu tố gây ra từ các biện pháp chống dịch như cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội đến tâm lý lo sợ dịch bệnh hoặc tài chính cạn kiệt của bệnh nhân, thiếu hụt các trang thiết bị, thuốc đặc trị do đứt gãy nguồn cung cấp, thiếu phương tiện vận chuyển…và một nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu hụt nhân viên y tế trong thời gian dịch bệnh (chiếm 60%).

Tỉ lệ nhập viện của bệnh nhân ung thư giảm 30% so với trước dịch bệnh, các nghiên cứu liên quan đến ung thư cũng giảm 65%, 79% bệnh viện hoặc trung tâm điều trị bị gián đoạn hoặc khó khăn trong việc bảo hành trang thiết bị hoặc duy trì nguồn thuốc đặc trị, 36% trường hợp phải thay đổi phác đồ hóa trị do nguồn cung hạn chế. Khảo sát này được thực hiện phần lớn tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Ý… chỉ có 2 nước Châu Á là Indonesia và Ấn Độ, do đó tình hình tại các nước đang phát triển chắc chắn sẽ tệ hơn.

Một báo cáo từ Quỹ toàn cầu (The Global Fund) khi tiến hành khảo sát tại các nước Châu Phi và Châu Á cho thấy các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao, sốt rét cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, theo đó số xét nghiệm HIV giảm 41%, phát hiện và điều trị lao giảm 59%, số bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét giảm 31% và số lượt khám tiền sản giảm 43% so với trước đại dịch.

Có thể nhận thấy một lượng lớn các bệnh nhân từ ung thư đến các bệnh truyền nhiễm khác đang âm thầm gia tăng cả về số lượng và mức độ nặng mà không được chẩn đoán, điều trị đúng mức và tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.

Một đợt sóng ngầm từ các bệnh lý khác đã hình thành và phát triển theo theo mức độ của dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy khi dịch bùng phát tình trạng bệnh nhân ngại đi khám bệnh, một số bệnh viện lớn bị phong tỏa do dịch bệnh, các thuốc đặc trị nhất là các thuốc nhập khẩu đôi khi bị thiếu hụt, hàng loạt cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động… đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng điều trị và tuân thủ của bệnh nhân. Việt Nam đã vượt qua dịch COVID-19 nhờ vào quyết tâm của chính phủ và người dân với chiến lược phủ vaccine toàn dân được thực hiện nhanh chóng triệt để nên cuộc sống người dân dần trở lại bình thường, số lượng bệnh nhân tái khám tăng lên nhiều, nhiều bệnh nhân nặng đến khám sau giãn cách. Cách giải quyết tốt nhất là tạo mạng lưới y tế đồng đều tại tất cả các tỉnh thành, tránh tập trung quá đông bệnh nhân tại các thành phố lớn, điều này sẽ giúp bệnh nhân có thêm nhiều chọn lựa, hạn chế tối đa việc đứt gãy việc điều trị như các đợt bùng phát dịch vừa qua.

Sức khỏe tốt là quyền cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, nhưng cần rất nhiều nỗ lực để đạt được.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/3-thach-thuc-khi-dieu-tri-ung-thu-o-viet-nam-1041866.html