14 món ăn 'tiếp sức' cho F0 ứng phó với COVID-19

ngày 14/09/2021

Trong cuộc chiến cam go với bệnh COVID-19, người bệnh rất cần được tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, dưới đây là 14 món ăn bài thuốc giúp người bệnh nâng cao thể trạng chống chọi với bệnh dịch.

Y học cổ truyền có nhiều dược thiện là các món ăn bài thuốc giúp F0 giảm bớt các triệu chứng của bệnh COVID-19, nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng chống lại bệnh COVID-19.

1. Ngân hoa bạc hà ẩm: Kim ngân hoa 30g, bạc hà 10g, lô căn tươi 60g.

Trước tiên sắc lô căn, kim ngân khoảng 15 phút, cho tiếp bạc hà đun thêm trong 3 phút. Đem lọc lấy nước pha thêm đường cho uống.

Kim ngân hoa là vị thuốc đông y có tác dụng tốt với sức khỏe

Dùng cho các trường hợp cảm nhiệt, sốt nóng, thời kỳ đầu của các bệnh nhiễm siêu vi trùng như sốt xuất huyết, phát ban, sốt sưng hạch...

2. Cháo hạt sen kim ngân: Kim ngân hoa 30g, gạo tẻ 60g, hạt sen 30g. Sắc kim ngân lấy nước.

Nước sắc kim ngân đem nấu cháo với gạo và hạt sen. Khi cháo được thêm chút đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp tiêu chảy cấp, lỵ cấp, mụn nhọt cấp tính, các bệnh siêu vi trùng cấp sốt nóng, sưng hạch phát ban.

Bạch mao căn dùng cho bệnh nhân viêm phổi cấp.

3. Ngư tinh thảo kim ngân hoa ẩm: Ngư tinh thảo 30g, kim ngân hoa 15g, bạch mao căn 30g, liên kiều 15g.

Cả bốn dược liệu này cùng đem nấu lấy nước, pha thêm chút đường trắng, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

Dùng cho các bệnh nhân viêm phổi cấp, viêm đường tiết niệu sốt nóng, ho, tiểu giắt tiểu buốt, nổi ban dị ứng.

4. Dưa chuột ăn tươi: Dưa chuột ngày 100 - 200g, dùng ăn tươi, thêm chút đường hoặc muối.

Dùng cho các trường hợp viêm họng, đau rát cổ họng, miệng khô, khát nước (tác dụng thanh nhiệt giải khát).

Dưa chuột thanh nhiệt, giải khát.

5. Canh cà ghém: Cà ghém 250g nấu dạng canh, có thể thêm thịt nạc, đậu phụ.

Dùng cho các bệnh nhân sốt nóng, bệnh sốt rét cơn, u bướu, viêm tấy sưng nề.

6. Nước ép củ năn: Củ năn 120g, ép lấy nước, để lạnh cho uống.

Dùng cho các trường hợp đau sưng họng, viêm họng.

7. Canh củ năng (bột tề canh): Cát cánh 12g, tử tô 12g, xuyên bối mẫu 10g, cả 3 vị cùng đem nấu lấy nước.

Dùng nước sắc nấu này hòa với bột củ năn 250g, bột mứt hồng thị 6g (khuấy sôi đều trên bếp). Cho ăn ngày 1 lần, đợt dùng 5 - 7 ngày.

Dùng cho bệnh nhân viêm họng mạn tính, có triệu chứng viêm teo niêm mạc và đau rát họng, ho khan ít đờm.

8. Thanh quả la bặc ẩm: Trám (thanh quả) 20g, củ cải 300g, rau mùi 30g. Củ cải thái lát thêm nước cùng nấu với trám, sau cùng cho thêm rau mùi, đường trắng hoặc chút muối khuấy đều, gạn lấy nước cho uống. Ngày sắc hãm 1 lần, chia uống nhiều lần trong ngày.

Dùng cho các trường hợp sởi, thủy đậu, sốt phát ban... thời kỳ nổi ban.

Thanh quả (trám đen)

9. Vỏ dưa hấu xào cà rốt: Vỏ dưa hấu (cạo bỏ lớp mỏng ngoài) 300g thái lát; cà rốt 200g thái lát, gừng tươi đập giập, liều lượng thích hợp.

Tất cả đem xào với dầu thực vật, thêm gia vị. Cho ăn thành bữa phụ hoặc ăn trong bữa chính. Ngày 1 lần, đợt dùng 7 - 10 ngày.

Dùng cho các bệnh nhân viêm xoang mũi má, tắc ngạt mũi tiết đờm vàng đục có thể lẫn tia huyết.

Dưa hấu.

10. Thịt nạc hầm khổ qua củ cải: Khổ qua 500g, thịt lợn nạc 150g, củ cải 200g, cùng hầm với nước và gia vị; khi đã chín nhừ thêm gia vị. Cho ăn ngày 1 lần, liên tục 20 ngày.

Dùng cho các bệnh nhân viêm họng mạn tính, đau rát họng, ho khan, viêm nề hoặc viêm teo niêm mạc họng.

11. Khổ qua xào bột tề: Khổ qua 60g, bột tề (củ năn) 60g. Khổ qua bỏ ruột thái lát, củ năn bóc vỏ thái lát. Cho dầu vừng hoặc dầu thực vật xào to lửa, thêm gia vị. Cho ăn ngày 1 - 2 lần.

Dùng cho các trường hợp viêm loét niêm mạc môi miệng, viêm lưỡi và họng hầu. Đau rát ăn và nhai nuốt đau, sốt nóng.

12. Thanh quả lô căn ẩm: Trám 10g (đạp vụn), rễ sậy (lô căn) 30g, cùng đem sắc hãm 30 phút.

Dùng cho các trường hợp cảm nóng, cảm nắng, sốt nóng đau đầu, đau sưng họng, ho khan ít đờm.

13. Nước sắc trám mạch môn: Trám 30g, mạch môn 10g, huyền sâm 15g, cam thảo 60g.

Cả 4 loại thảo dược đều tán vụn, chia nhiều ấm nhỏ hãm cho uống trong ngày. Dùng liền tục một đợt 7 - 20 ngày, chỉ định cho các trường hợp viêm họng, viêm khí phế quản mạn tính, ho có đờm, đau sưng họng.

14. Cháo thạch cao: Thạch cao 250g, gạo tẻ 80g, hành sống 2 củ. Thạch cao đem nấu gạn lấy nước; lấy nước nấu với gạo thành cháo; khi cháo được cho thêm hành sống đã giã nát và 50ml nước sữa đậu nành khuấy đều cho ăn khi đói.

Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đau đầu, kinh giật vật vã, kích động.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguồn suckhoedoisong.vn