WHO: Hệ lụy của đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới

ngày 01/08/2020

Người dân tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Nice, Pháp, ngày 27/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 31/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ: "Dịch bệnh (COVID-19) là cuộc khủng hoảng y tế xảy ra một lần trong một thế kỷ, nên tác động của nó sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới."

Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết mặc dù sự hiểu biết về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã có sự tiến bộ, song dân số thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước loại virus này.

Ông nêu rõ: "Kết quả ban đầu của nghiên cứu về kháng thể đang vẽ lên một bức tranh đồng nhất. Đó là phần lớn người dân trên thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước loại virus này, thậm chí ở những khu vực đã xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng.

Nhiều nước từng cho rằng đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, hiện đang chật vật đối phó với đợt dịch bùng phát mới. Một số khu vực ít chịu tác động của dịch bệnh trong những tuần đầu dịch bệnh bùng phát, hiện đang ghi nhận số ca nhiễm và tử vong gia tăng."

Đến nay, hơn 17 triệu người trên thế giới mắc COVID-19, trong đó có hơn 670.000 người tử vong.

Mỹ, Brazil, Mexico và Anh hiện là những nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh trong bối cảnh chính phủ các nước này đang nỗ lực đưa ra các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Các biện pháp phong tỏa và hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã tác động nghiêm trọng tới các nền kinh tế trong khi nhiều khu vực trên thế giới đang lo ngại xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai./.


Nguồn: Báo VietnamPlus