Vụ chạy thận làm 8 người chết ở Hòa Bình: Phục dựng vật chứng bị tiêu hủy

ngày 06/08/2019

TS Hải thực nghiệm bên chiếc van bị hỏng của hệ thống RO1 Ảnh T.Hà

TS Lê Thanh Hải cho biết: “Nguyên tắc các nhà khoa học khi nghiên cứu dựa vào bằng chứng, nên chúng tôi cố gắng thu thập lại hai hệ thống RO1 và RO2. Nếu không thu thập được, chúng tôi sẽ dựng hệ thống mới giống hệt dựa trên bản vẽ và nguyên lý hoạt động của hệ thống”.

Tại buổi thực nghiệm, TS Lê Thanh Hải đã thực hiện từ đầu đến cuối quá trình sục rửa hệ thống chạy thận nhân tạo. TS Hải thao tác bằng nước chỉ thị màu để xem cơ chế ô nhiễm và con đường tồn dư thực sự như thế nào. Từ đây, nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của 8 bệnh nhân được TS Hải tìm ra. Đáng chú ý, nguyên nhân các nhà khoa học vừa phát hiện khác hoàn toàn với kết luận của cơ quan điều tra tỉnh Hòa Bình.

Các nhà khoa học chứng minh nước ô nhiễm đa chất từ các cột lọc đầu của hệ thống RO1 (không đảm bảo tiêu chuẩn chạy thận) đã tự chảy vào bồn RO2 thông qua con đường có 3 van bị hỏng. Hệ thống RO1 cấp nước tinh khiết vào tank RO1 để rửa quả lọc thận, RO2 cấp nước chạy thận nhân tạo, 2 hệ thống này dùng chung hệ thống tẩy sạch CIP.

Bùi Mạnh Quốc (GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh) chỉ thực hiện lau rửa màng lọc RO2 và tiệt khuẩn đường ống tuần hoàn cấp nước cho các máy thận, sau đó thay van xả đáy bồn nên không còn tồn dư hóa chất. Bằng chứng, đồng hồ đo độ dẫn điện hiển thị chỉ số cho phép. Hiện tại, sau khi phục dựng lại, đồng hồ này vẫn vận hành rất tốt, đo chính xác.

Trong khi nguyên nhân thực sự gây tai biến chạy thận là do 3 van của RO1 đồng thời bị hỏng trùng hợp, trong đó K2, K3 hỏng do quá trình sử dụng nhiễm hóa chất từ hệ thống CIP. Việc 2 van K2, K3 bị hỏng khiến nước chỉ được lọc qua cột lọc thô và lọc than (không đủ điều kiện) chảy vào tank RO2 rồi chuyền đến bệnh nhân. Điều này, chính Bùi Mạnh Quốc cũng không kiểm soát được.

TS Lê Thanh Hải khẳng định, hệ thống RO1 bị hỏng 3 van khiến chất lượng nước bị nhiễm đa chất là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chứ không phải tồn dư chất hóa học HF như kết luận điều tra công bố tại tòa. TS Hải phân tích thêm, triệu chứng điển hình của ngộ độc đa chất mức độ thấp là phản vệ, sốc phản vệ phù hợp với diễn biến y khoa. Nếu ngộ độc đơn chất HF, theo cáo trạng nêu, thì với liều gấp 2,5 lần liều đã gây tử vong được ghi trong tiêu chuẩn bệnh nhân phải có các triệu chứng điển hình của ngộ độc cấp tính Florua là rung thất, mất tuần hoàn, tử vong rất nhanh chứ không thể tới 1h20 phút.

Theo TS Lê Thanh Hải: “Bác sĩ Hoàng Công Lương đã nhận thấy một số thay đổi trên bệnh nhân trong quá trình chạy thận, nên đã yêu cầu bảo trì nguồn nước ở hệ thống RO2. Chỉ có điều bác sĩ Lương không biết hư hỏng từ hệ thống RO1 chứ không phải từ RO2. Và cái này tôi cho rằng Bùi Mạnh Quốc cũng không kiểm soát được vấn đề này”.

Bộ 3 van bị hỏng và bình CIP khiến nước bẩn thẩm thấu vào RO1 và RO2 Ảnh T.HàBộ 3 van bị hỏng và bình CIP khiến nước bẩn thẩm thấu vào RO1 và RO2 Ảnh T.Hà

“Hỏng 3 van là sự cố cực kỳ hi hữu và rõ ràng việc hỏng 3 van sẽ nối con đường nước chưa đảm bảo chạy thận từ cột lọc của RO1 đã tự chảy vào bồn RO2 - là nước dùng để chạy thận nhân tạo và khiến bệnh nhân tử vong” - TS. Hải giải thích.

Cũng theo TS Hải, Bùi Mạnh Quốc - người trực tiếp sửa chữa - đã dùng axit HF và HCL để vệ sinh hệ thống. Sau đó Quốc dùng bơm cao áp để đẩy sạch hai loại hóa chất này ra đường thải nên không thể làm tồn dư hóa chất HF.

Theo TS Hải, đây là những bằng chứng quan trọng nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét đầy đủ trong quá trình điều tra. Đáng lưu ý, trước đó, Viện Khoa học hình sự đã tìm ra 3 van hỏng, nhưng chỉ dừng lại ở đây mà không chạy thực nghiệm để tìm nguyên nhân thực sự vì sao hỏng van và hệ quả của việc hỏng van ảnh hưởng đến tính mạng của các bệnh nhân.

Vì sao bây giờ mới công bố?

Trả lời câu hỏi tại sao đến thời điểm này, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế mới lên tiếng đi ngược lại kết luận của cơ quan điều tra, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết: “Chúng tôi không điều tra thay cơ quan điều tra mà chỉ thực nghiệm khoa học để tìm ra nguyên nhân thực sự gây tử vong cho người bệnh, từ đó sẽ giúp cho ngành y tế quản lý rủi ro vì an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”. Theo TS Hải, Viện sẽ thành lập hội đồng khoa học để thực nghiệm khoa học toàn bộ chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc đã thực hiện. Cuộc thực nghiệm này dựa trên các tài liệu của kết luận điều tra về hóa chất, độc chất, thậm chí thử nghiệm trên động vật với sự tham gia của các chuyên gia về trang thiết bị y tế, pháp y, hóa chất, y khoa và pháp lý.

Kết quả phân tích cho thấy, việc hỏng 3 van của hệ thống RO1 đã gây ô nhiễm đa chất nguồn nước là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong, chứ không phải do tồn dư hóa chất HF như công bố của cơ quan cảnh sát điều tra. Đánh giá về tình tiết mới này GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết: “TS Lê Thanh Hải đã có phương án chứng minh rất khoa học cho vụ án này. Tòa án đã phân tích mổ xẻ nhiều, nhưng đã bỏ qua bằng chứng quan trọng liên quan đến kết luận. Đây là cố gắng của Viện Trang thiết bị và công trình y tế cũng như như các nhà khoa học y tế để phục dựng lại hệ thống”. Theo GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, càng phân tích càng thấy chưa rõ ràng về kết luận cuối cùng gây cái chết của 8 bệnh nhân như Tòa kết luận.

Ông Hiếu nhận định: “Việc phục dựng lại hệ thống này là hướng đi mới rất cần thiết để các cơ quan tố tụng vào cuộc, tiến hành tìm nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của 8 nạn nhân. Tôi với tư cách đại biểu Quốc hội thực hiện mong muốn của nhiều cử tri và cá nhân mình, mong muốn có phiên tòa giám đốc thẩm. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn sâu hơn. Nhiều người muốn kết thúc vụ án này càng sớm càng tốt, nhưng theo tôi nếu chưa tìm được nguyên nhân chính xác sẽ tạo ra án lệ không tốt cho ngành y”.


Nguồn: Báo Tiền Phong