Bé gái 5 tuổi bị ngưng tuần hoàn máu sau khi ăn lạc

ngày 25/03/2022

Tối 23/3, Trung tâm Cấp cứu 115 trực thuộc hệ thống y tế Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận cấp cứu bé gái 5 tuổi bị ngừng tuần hoàn ngoại viện, nghi hóc dị vật đường thở do ăn lạc.

Mới đây, Trung tâm Cấp cứu 115 trực thuộc hệ thống y tế Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận cấp cứu bé gái 5 tuổi bị ngừng tuần hoàn ngoại viện, nghi hóc dị vật đường thở do ăn lạc.

Người nhà cho biết sau khi ăn lạc, bé gái sau xuất hiện tím tái, khó thở, gia đình đã sơ cứu nhưng không hiệu quả. Trung tâm Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn. Thời gian từ lúc cháu bắt đầu có dấu hiệu khó thở tới khi tiếp cận các y bác sĩ khoảng chừng 15-20 phút.

Sau 3 phút cấp cứu chạy đua với thời gian, bệnh nhi đã bắt được dấu hiệu mạch trở lại, ngay lập tức đã được chuyển về Bệnh viện nhi Trung ương ngay trong đêm. Song song với việc cấp cứu đảm bảo quá trình di chuyển bé xuống Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã chủ động liên hệ, báo cáo trước tình hình bệnh nhi và đề nghị chuẩn bị hỗ trợ đón tiếp cấp cứu tới các đồng nghiệp Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương

Chia sẻ với báo Vietnam Bác sĩ CKII. Lê Thanh Chương - Trưởng khoa Hồi sức hô hấp - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết dị vật đường thở là trường hợp những vật lạ xâm nhập vào đường thở. Đây là tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm tiếp nhận và xử trí khoảng 50 trường hợp dị vật đường thở. Dị vật thường là hạt thực vật (lạc, na, hướng dương, ngô…) hoặc đồ chơi (hạt vòng, đèn nhỏ, còi nhỏ, lò xo…).

Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim, kim băng… đe dọa thủng đường thở gây các biến chứng nặng. Tai biến y khoa có thể gặp gây dị vật đường thở là các thủ thuật nha khoa như nhổ răng, diệt tủy răng làm răng hoặc kim diệt tủy rơi vào đường thở khi trẻ không hợp tác.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở nhưng hay gặp nhất là trẻ dưới 3 tuổi, việc xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi trẻ bị hóc dị vật là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

*Nhận biết trẻ bị hóc dị vật đường thở.

- Trẻ đang bú, đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức, ý thức trẻ lịm dần...

- Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể ngưng thở ngay lập tức, tiếp đó hôn mê và tử vong.

- Các triệu chứng bao gồm:

• Tay ôm lấy cổ

• Không thể thở

• Không thể nói và ho

• Giãy giụa và kiệt sức

• Mặt tím tái

• Có thể bất tỉnh

*Những điều cần tránh khi trẻ mắc dị vật đường thở

- Cố gắng lấy tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

- Sử dụng một số mẹo dân gian như: cho trẻ nuốt cơm, hoa quả,...điều này có thể khiến tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.

- Vuốt xuôi ngực: mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều bậc phụ huynh vuốt ngực cho trẻ, đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở

*Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo

Với trẻ nhỏ

Người cấp cứu có thể đứng, hoặc ngồi lên ghế. Sau đó, đặt bệnh nhân nằm sấp lên cánh tay, cho đầu bệnh nhân chúi xuống, nghiêng về 1 bên, dùng 1 chân đỡ dưới cánh tay và thực hiện vỗ lưng 5 lần.

Lưu ý khi vỗ lưng theo chiều đẩy xuống phía dưới đầu, cổ. Sau 5 lần vỗ kiểm tra xem dị vật có ra hay không, sau đó lại làm tiếp.

Với trẻ nhỏ nên đặt bệnh nhân nằm sấp lên cánh tay. Ảnh minh họa

Với trẻ lớn

Đứng ra phía sau, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng.

Đặt một bàn tay thành nắm đấm ngay vùng thượng vị, dưới mũi ức, phía trên rốn, bàn còn lại ôm lên thành nắm đấm.

Ấn 5 cái dứt khoát vào bụng theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.

Nếu vẫn còn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên.

Tư thế ấn bụng cho trẻ. Ảnh minh họa

*Trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh

Còn nếu bệnh nhân không ho được và không còn tỉnh táo, gọi hỏi không đáp ứng, phải gọi người hỗ trợ. Sau khi gọi người hỗ trợ, đầu tiên là mở thông đường thở, đặt trẻ nằm ngửa, một tay giữ vào trán trẻ, một tay để dưới cằm, nâng cằm hơi ngửa lên cao.

Sau đó, cần nghe xem bệnh nhân có thở hay không. Nếu không còn thở hãy hà hơi, thổi ngạt theo nguyên tắc 2 lần hà hơi, 15 lần ép tim. Với kỹ thuật ép tim, hà hơi thường cần 2 người, một người hà hơi và một người ép tim. Vị trí ép tim là ½ dưới của xương ức.

Khi ép, cánh tay đặt thẳng lên cầu ngực bệnh nhân, thực hiện 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt. Quá trình hà hơi, ép tim cần thực hiện liên tục, sau 1 phút lại đánh giá lại bệnh nhân có thở, có mạch hay chưa. Nên liên tục làm đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Nguồn: https://saostar.vn/suc-khoe/be-gai-5-tuoi-bi-ngung-tuan-hoan-mau-sau-khi-an-lac-202203250626100877.html