Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn lo ngại khi Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng trong khi các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 diễn biến phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép.
Theo số liệu mới nhất, mỗi năm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 81% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính.
Số liệu điều tra cũng cho thấy, ước tính ở người trưởng thành tỷ lệ mắc các bệnh như tăng huyết áp hiện là 26%, tương đương khoảng 17 triệu người mắc; tỷ lệ mắc đái tháo đường là 7%, tương đương với khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ mà người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được, như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo các tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu.
Vì vậy việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy hình thành các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một chính sách ưu tiên của Việt Nam.
Nói thêm về vấn đề sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi thanh thiếu niên, theo đại diện nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường đại học Y tế công cộng, qua khảo sát cho thấy có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng.
Tuy vậy điều đáng lo ngại là tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%. Dù đây là khảo sát trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra song chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, có vấn đề gì.
Còn theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tính đến tháng 1/2020, trên thế giới có 103 quốc gia đã tiến hành cuộc khảo sát hành vi sức khỏe học sinh.
Tại Việt Nam TS. Kidong Park cũng chỉ ra các số liệu là bằng chứng cho thấy những ảnh hưởng đến sức khỏe của lứa tuổi học sinh. Đó là, tỷ lệ học sinh ăn đồ ăn nhanh tăng cao hơn; tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng; tỷ lệ học sinh sử dụng các loại thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, tăng hơn so với cuộc khảo sát trước.
Cụ thể, tỷ lệ học sinh ăn thức ăn nhanh ít nhất trong 1 tuần đã tăng từ 30,2% lên 54,1%. Tỷ lệ học sinh thừa cân cũng tăng gấp đôi, từ 5,8% lên 10,6%.
Đặc biệt, lần đầu tiên, trong cuộc khảo sát năm 2019, Việt Nam đã đưa một chỉ số học sinh tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử vào khảo sát.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ này là 2,6% tính bình quân trên cả nước và 7,9% tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Để nâng cao sức khỏe cho người dân Việt, TS.Kidong Park kêu gọi ngành Y tế và ngành Giáo dục tăng cường hơn nữa chính sách y tế nhằm nâng cao sức khỏe của học sinh nói riêng, của nhân dân nói chung, tăng cường các hoạt động thể chất cũng như có các quy định về quảng bá thức ăn, nhằm giảm tiêu dùng dinh dưỡng không lành mạnh.
Đại diện WHO cũng khuyến cáo ngành Giáo dục tăng cường hơn y tế học đường, cải thiện hơn nữa năng lực của nhân viên y tế tại các trường học, xây dựng các chương trình nâng cao giáo dục sức khỏe cho học sinh, đảm bảo cung cấp bữa ăn khỏe mạnh và có không gian thể chất để học sinh có thể tham gia các hoạt động thể chất.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cần tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng các hướng dẫn và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho ngành Giáo dục.
Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-dang-phai-giai-quyet-ganh-nang-benh-tat-kep-d164691.html