Các thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trước đó chỉ thực hiện ở người trên 18 tuổi. Do đó, vaccine này không thể sử dụng cho trẻ em mà cần thời gian nghiên cứu kỹ.
Tại Mỹ, trẻ em từ 12 tuổi trở lên đã có thể tiêm vaccine Covid-19. Và loại duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo có thể sử dụng cho trẻ 12-17 tuổi là Pfizer. Trẻ nhỏ hơn vẫn đang chờ đợi loại thuốc phù hợp.
Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, Cuba, ít quốc gia phê duyệt vaccine Covid-19 cho nhóm dưới 5 tuổi, thậm chí dưới 12 tuổi. Bác sĩ, TS nhi khoa Chip Walter, Đại học Duke, Mỹ, điều tra viên của các thử nghiệm vaccine Pfizer, khẳng định sự thận trọng này là điều đúng đắn, các nhà khoa học “đang làm điều tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ”.
Vì sao trẻ em không là nhóm ưu tiên tiêm chủng từ đầu đại dịch?
Khi Covid-19 ập đến, WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều tổ chức y tế tại các nước đều khuyến cáo tiêm vaccine sớm cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao, mắc bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, người có hệ miễn dịch kém.
Trẻ em thuộc nhóm chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 hiện nay vẫn thuộc số ít. Đa số triệu chứng thường nhẹ.
Một nghiên cứu công bố ngày 14/3/2020 trên tạp chí y khoa Nature Medicine đánh giá 10 trẻ mắc Covid-19 tại Trung tâm Y khoa Phụ nữ và Trẻ em Quảng Châu (Trung Quốc). Nhóm tác giả nhận thấy các bệnh nhi không có triệu chứng bệnh phổ biến ở người trưởng thành (như khó thở, đau nhức cơ, đau đầu và buồn nôn).
Trong số các bệnh nhi, 7 em bị sốt nhưng không ai sốt cao hơn 38,9 độ C. Một bé không có triệu chứng. Tất cả 10 trẻ đều được xét nghiệm sau khi tiếp xúc gần các F0. Hình chụp X-quang ngực của các em cũng bình thường, một số bé có vết mờ trên phổi nhưng không lá phổi nào bị viêm.
Đa số trẻ em mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ảnh: iStock.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ CDC thu thập tại các bệnh viện nhi trên toàn nước Mỹ cho thấy người dưới 18 tuổi chỉ chiếm chưa tới 2% (3.694 ca) tổng số F0 phải nhập viện do mắc Covid-19. Số liệu này được thống kê từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 8/2021. Một số trẻ có diễn biến nặng, ngoài ra, tại Mỹ, hơn 420 trẻ em tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, phần đông F0 trở nặng là người lớn. Xu hướng này tương tự ở nhiều nước trên thế giới.
Trẻ em vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do đó, theo cơ chế thông thường, các em sẽ là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19. Song, tỷ lệ trẻ mắc bệnh, phải nhập viện, tử vong rất thấp so với người lớn.
Theo bác sĩ Kawsar Talaat, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, ở Baltimore, Maryland, Mỹ, trẻ em có phản ứng nhanh trước mầm bệnh, dù chưa từng tiếp xúc với virus trước đó. Điều này được xem là giả thuyết khiến rất ít trẻ mắc Covid-19 trở nặng. Vị chuyên gia cũng cho hay chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này.
Dù vậy, trước tình trạng vaccine Covid-19 khan hiếm, các nước quyết định ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương. Hầu hết vaccine được phê duyệt đều chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Nhiều nước bắt đầu nhắm đến tiêm chủng cho trẻ em sau khi bao phủ vaccine hầu hết ở những nhóm ưu tiên. Điều này càng cấp thiết khi biến chủng Delta xuất hiện, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 phải nhập viện, tử vong đang tăng lên ở nhiều nước. Song, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ vẫn còn nhiều tranh luận.
Trong khi chờ đợi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, phụ huynh nên tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch để con tránh bị lây nhiễm nCoV. Ảnh: Unicef.
Trẻ em không phải phiên bản thu nhỏ của người lớn
Đa số vaccine Covid-19 hiện có không được phép tiêm cho trẻ em vì chưa có thử nghiệm lâm sàng trên nhóm này. Chỉ một số ít vaccine như Pfizer, Moderna (Mỹ), Sinopharm (Trung Quốc), ZyCoV-D (Ấn Độ)… có kết quả thử nghiệm trên những người dưới 18 tuổi. Dù vậy, số liệu thử nghiệm cũng khá hạn chế.
Theo CNN, nghiên cứu vaccine của Pfizer đang thực hiện trên 4.600 trẻ em ở 3 nhóm tuổi: 5-11, 2-5 và trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Mayo Clinic dẫn nghiên cứu từ hãng Pfizer cho thấy Comirnaty có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em trong độ tuổi 12-15; 91% với những người dưới 16 tuổi. Nghiên cứu ban đầu cũng chứng minh vaccine này có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng do biến chủng Delta.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Pfizer cho trẻ 12-15 tuổi. FDA cũng phê duyệt vaccine này cho nhóm thanh, thiếu niên dưới 16 tuổi. Tương tự người lớn, trẻ em cũng cần tiêm đủ 2 liều Pfizer, thời gian cách nhau giữa các mũi là 21 ngày. Liều thứ 2 có thể được tiêm sau 6 tuần tiêm mũi 1 nếu cần thiết.
Trong khi đó, thử nghiệm lâm sàng của Moderna đang diễn ra trên 6.700 trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi. Moderna cho hay đã phân tích dữ liệu trên 3.732 trẻ 12-17 tuổi. Trong đó, 2/3 trẻ được nhận đủ hai liều vaccine Spikevax, số còn lại tiêm giả dược. Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi thêm một năm kể từ khi hoàn thành 2 mũi tiêm Moderna.
Kết quả cho thấy không trường hợp nào mắc Covid-19 có triệu chứng sau tiêm vaccine đủ 2 liều. Điều này tương đương hiệu quả 100%, bằng con số mà Pfizer đã báo cáo trong thử nghiệm trên trẻ 12-15 tuổi.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng cho biết một liều vaccine Moderna có hiệu quả 93% trong việc chống lại Covid-19 có triệu chứng.
Pfizer và Moderna là hai trong số ít vaccine Covid-19 được các quốc gia trên thế giới phê duyệt sử dụng cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: Reuters.
Sinovac (Trung Quốc) cũng thử nghiệm trên 500 trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh. 96% trong số đó phát triển kháng thể chống lại nCoV. Phần lớn tác dụng phụ nhẹ hoặc trung bình, phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm.
Trong khi đó, ZyCoV-D đang được nhà sản xuất Ấn Độ thử nghiệm trên 28.000 tình nguyện viên, trong đó có 1.400 thanh, thiếu niên 12-18 tuổi. Ở tất cả thử nghiệm, nhóm nghiên cứu không phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhà sản xuất chưa công bố hiệu quả cụ thể của vaccine trên trẻ em.
Tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia về tiêm chủng, Hiệu trưởng trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, Đại học Y Baylor, đánh giá chúng ta đang đạt được những thành tựu nhất định về vaccine Covid-19 cho trẻ em. Song, phụ huynh cần kiên nhẫn.
Bởi trẻ nhỏ có nhu cầu tiêm liều lượng khác nhau. “Một đứa trẻ 6 tháng tuổi có sức đề kháng khác trẻ 3 tuổi. Trẻ 8 tuổi cũng lại có hệ miễn dịch với các đặc điểm riêng, không thể so với bé 13 hay 14 tuổi. Vì vậy, chúng ta không thể vội vàng áp dụng liều lượng vaccine như tất cả người lớn”, TS Chip Walter nhấn mạnh.
Việc tìm ra liều vaccine Covid-19 phù hợp cho trẻ cần rất nhiều thời gian. Nếu tiêm quá ít, trẻ sẽ không sinh đủ miễn dịch chống lại Covid-19. Nếu tiêm quá liều, điều tồi tệ sẽ xảy ra mà tất cả chúng ta đều không thể lường trước.
“Trẻ tiêm quá liều sẽ có phản ứng miễn dịch tốt, song, cũng gặp nhiều tác dụng phụ như sốt, đau cánh tay, mệt mỏi, quấy khóc. Chúng ta có rất nhiều thứ để lo lắng”, TS.BS nhi khoa Buddy Creech, Đại học Vanderbilt, cho hay.
Ông cũng dự đoán cuối năm 2021 hoặc quý I năm 2022, chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều vaccine Covid-19 cho trẻ em.
Theo ông Hotez, lý do khác khiến các hãng dược mất nhiều thời gian khi nghiên cứu vaccine Covid-19 cho trẻ em đó là đảm bảo không khiến bệnh nhi bị ốm nặng hơn. Điều này đã từng xảy ra vào những năm 1960, vaccine ngừa RSV đã gây hiện tượng miễn dịch quá mức. Kết quả, trẻ được tiêm vaccine này phải nhập viện, mắc bệnh nặng hơn khi virus xâm nhập.
Với vaccine Covid-19, các nhà sản xuất muốn đảm bảo nó không khiến hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) thêm nghiêm trọng. Hội chứng này là nguyên nhân khiến một số trẻ mắc Covid-19 gặp bất thường về thần kinh, thậm chí tử vong.
Các thử nghiệm vaccine Covid-19 cho trẻ em mới được khởi động cách đây vài tháng. Do đó, chúng ta cần thời gian để đảm bảo nhóm tuổi này được tiêm vaccine an toàn nhất, hiệu quả nhất.
Trong lúc chờ đợi vaccine cho trẻ, phụ huynh cần bảo vệ các bé khỏi lây nhiễm bằng những biện pháp đã được khuyến cáo: Đeo khẩu trang, khử khuẩn, đảm bảo giãn cách và tăng cường hệ miễn dịch qua chế độ dinh dưỡng.
Nguồn: https://zingnews.vn/vi-sao-nhieu-tre-nho-chua-duoc-tiem-vaccine-covid-19-post1268534.html