1. Tương tác thuốc và cà phê
Cùng với trà, cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Liều lượng caffeine từ thấp đến trung bình (50–300 mg) có thể làm tăng năng lượng, sự tỉnh táo và khả năng tập trung. Tuy nhiên, liều lượng cao có thể gây ra các tác động tiêu cực như lo lắng, bồn chồn, mất ngủ và tăng nhịp tim.
Ngoài ra, caffeine trong cà phê cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Việc uống cà phê đồng thời với thuốc có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự hấp thụ, phân phối, chuyển hóa của nhiều loại thuốc.
Caffeine có thể tương tác với một số loại enzyme chịu trách nhiệm cho quá trình chuyển hóa và đào thải thuốc khỏi cơ thể. Điều này làm thay đổi tốc độ loại thuốc khỏi cơ thể hoặc làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc. Những tác động này của cà phê đối với dược động học của thuốc có thể dẫn tới thất bại điều trị hoặc phản ứng độc hại.
Mức độ tương tác giữa cà phê và các loại thuốc có thể thay đổi tùy thuộc vào liều lượng và cơ địa của mỗi người.
2. Các thuốc cần hạn chế uống cà phê
Dưới đây là một số loại thuốc nên kiêng uống cà phê hoặc hạn chế caffeine khi sử dụng:
- Thuốc trị đái tháo đường: Metformin là một loại thuốc thường được kê đơn cho người bệnh đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, khi kết hợp cà phê và metformin có thể gây ra một số tác dụng phụ như làm tăng nhịp tim, gây bồn chồn và làm gián đoạn giấc ngủ ở một số người. Mặt khác, metformin có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Kết hợp hai chất có khả năng làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ này.
- Thuốc giãn phế quản: Theophylline thường được sử dụng để làm giãn cơ trơn phế quản, giảm co thắt phế quản và kích thích hô hấp. Sử dụng loại thuốc này cùng caffein có thể làm tăng một số tác dụng phụ của theophylline như buồn nôn, nôn, mất ngủ, run, bồn chồn, nhịp tim không đều và co giật.
- Thuốc tâm thần: Phenothiazin (chlorpromazine) là thuốc tâm thần thường được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác. Uống cà phê trong khi dùng phenothiazin có thể làm giảm hiệu quả thuốc hoặc tăng tác dụng phụ như buồn ngủ, lú lẫn.
- Thuốc giảm đau: Caffeine là thành phần thường được thêm vào một số loại thuốc giảm như paracetamol để tăng hiệu quả giảm đau. Khi được sử dụng ở liều lượng đã được phê duyệt, sự kết hợp này được dung nạp tốt. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng kết hợp caffein và paracetamol với liều lượng lớn có thể làm tăng tác dụng phụ bao gồm tổn thương gan. Nếu quen uống nhiều cà phê mỗi ngày hoặc thường xuyên dùng thuốc giảm đau để điều trị cơn đau mạn tính, cần thảo luận với bác sĩ để tìm ra liều lượng phù hợp.
- Thuốc kháng sinh: Khi dùng một số loại kháng sinh, đặc biệt là nhóm fluoroquinolone, nên tránh sử dụng caffeine. Những loại thuốc này dùng khi uống cà phê làm tăng nồng độ caffeine trong huyết tương, bằng cách giảm chuyển hóa ở gan, có thể gây ra sự tích tụ caffein trong cơ thể, dẫn đến quá liều và tác dụng độc hại như tim đập nhanh, buồn nôn và ảo giác.
- Thuốc nhuận tràng: Với thuốc nhuận tràng (macrogol), đặc biệt để sử dụng để làm sạch ruột trước khi làm thủ thuật nội soi tiêu hóa gây mê, caffeine có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Vì vậy, nên tránh dùng ít nhất 2 giờ sau khi uống thuốc nhuận tràng, hoặc thậm chí cho đến khi tiến hành nội soi xong.
- Các loại thuốc khác: Ngoài ra caffeine cũng làm giảm khả năng hấp thụ các loại thuốc khác như thuốc trầm cảm, estrogen, thuốc tránh thai, thuốc điều trị loãng xương và thuốc tuyến giáp...
Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc kê đơn, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thông tin thuốc cũng như hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời cần tìm hiểu về các tác dụng phụ, tương tác thuốc - thuốc, thuốc - thức ăn… có thể xảy ra.
Nếu có thói quen uống cà phê cần thảo luận với chuyên gia y tế (bác sĩ hoặc dược sĩ) để biết thêm thông tin về tương tác và ảnh hưởng của cà phê. Ngoài ra, nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, hay vấn đề về dạ dày, cũng cần lưu ý hạn chế tiêu thụ cà phê.
Nguồn: suckhoedoisong