Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép cho một loại thuốc có hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước.
Loại thuốc có hoạt chất molnupiravir thứ 4 được cấp phép
Thuốc mới được cấp phép có tên gọi là Molnupiravir Stella 200 mg; hàm lượng Molnupiravir 200mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, hộp 4 vỉx10 viên. Số đăng ký là SĐK: VD3-174-22 của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm-Chi nhánh 1 (Stellapharm J.V. Co., Ltd. - Branch 1) sản xuất và đăng ký.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép cho một loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước.
Cục Quản lý dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc sản xuất theo đúng hồ sơ, tài liệu đăng ký với Bộ Y tế; phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Đồng thời, Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế, cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị Covid-19.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (nếu có), gửi báo cáo về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, TP.HCM theo quy định.
Quyết định của Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ trong quá trình lưu hành thuốc, căn cứ vào việc theo dõi, cập nhật thông tin về độ an toàn, hiệu quả của 3 loại thuốc trên, Cục Quản lý dược cho biết có thể quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành đã cấp này theo quy định của khoản 1, điều 58 Luật Dược.
Trước đó, ngày 17/2, Cục Quản lý dược cấp phép cho 3 loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước gồm: Molravir 400: hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất;
Movinavir: hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất;
Molnuporavir Stella 400: hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viện nang cứng, tuổi thọ 8 tháng, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất.
Các loại thuốc chứa thành phần hoạt chất molnupiravir là thuốc kê đơn, được chỉ định điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm SARS-CoV-2, và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Liều dùng khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.
TP.HCM tăng nhanh dịch sốt xuất huyết
Thời gian gần đây, TP.HCM liên tục ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết (người lớn và trẻ em), bệnh tay chân miệng ở các bệnh viện có xu hướng tăng báo động.
Cụ thể, trong tuần 20, thành phố có 943 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 596 ca nội trú và 347 ca ngoại trú), tăng 19,7% so với trung bình 4 tuần trước (788 ca). Như vậy, trung bình mỗi ngày, thành phố lại có thêm 134-135 người mắc bệnh.
Tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 8.481 ca, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639). Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết nặng là 175, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (26 ca). Số tử vong tích lũy đến tuần 20 là 7 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.
HCDC cho biết ngành Y tế đã xử lý phun hóa chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ. Các chuyên gia dịch tễ dự báo cứ theo vòng lặp 4-5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn.
Năm 2019, trận dịch sốt xuất huyết với số mắc hơn 300.000 ca (riêng TP.HCM khoảng 65.000 ca) gây nhiều khó khăn, tổn thất. Chuyên gia dự báo nếu theo đúng chu kỳ, có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế, thời tiết khí hậu nóng ẩm, việc giao lưu đi lại,... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do virus, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà có thể bùng phát dịch bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh tại châu Âu
Bộ Y tế Ðan Mạch thông báo về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này. Bồ Ðào Nha cũng thông báo có thêm 14 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo đó tổng số bệnh nhân lên 37 ca.
Tây Ban Nha phát hiện thêm 4 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 34 ca. Ðức phát hiện thêm hai ca mắc đậu mùa khỉ ở thủ đô Berlin.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhận định số ca mắc bệnh này sẽ sớm gia tăng ở Ðức. Trong khi đó, Chính phủ Bỉ quyết định áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Cơ quan y tế vùng Scotland (Anh) thông báo ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại xứ này. Vùng England của Anh đã ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh.
Hiện ít nhất 15 nước trên thế giới ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 120 ca. Ðáng chú ý, nhiều nước không thuộc khu vực Tây và Trung Phi - vốn là nơi bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành.
Ngày 24/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa cần tiêm đại trà vắc-xin để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người dân đề phòng bệnh đậu mùa khỉ, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh lây lan rộng.
Chính phủ Ðức thông báo đang đánh giá các phương án tiêm chủng, còn Anh đã tiêm chủng cho một số nhân viên y tế.
Giới chức y tế tại châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 ca nghi mắc và được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ðây được coi là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng nhất bên ngoài châu Phi - nơi căn bệnh này là đặc hữu.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-ve-y-te-ngay-255-them-thuoc-molnupiravir-san-xuat-trong-nuoc-duoc-cap-phep-d166547.html