Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi người dân đi tiêm vaccine và cẩn trọng

ngày 26/04/2021

Người dân Ấn Độ chờ xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25-4 thừa nhận, “bão” Covid-19 đã làm rung chuyển quốc gia Nam Á này. Ông hối thúc tất cả người dân đi tiêm vaccine và cẩn trọng trước dịch bệnh.

“Chúng ta đã tự tin, tinh thần của chúng ta lên cao sau khi ứng phó thành công làn sóng lây nhiễm đầu tiên, nhưng cơn bão lần này đã làm rung chuyển đất nước”, ông Modi chia sẻ trong bài phát biểu trên đài phát thanh.

Tại thủ đô New Delhi, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng do thiếu giường bệnh và oxy y tế. Thủ hiến Arvind Kejriwal đã phải kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô. Cứ bốn phút trôi qua, Covid-19 lại cướp đi tính mạng của một người tại thủ đô của quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân.

Ấn Độ hiện là nước duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca bệnh mới lên tới sáu chữ số. Trong năm ngày qua, Ấn Độ liên tiếp phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới được phát hiện tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát. Tờ Indian Express dẫn một đánh giá của Chính phủ Ấn Độ dự báo, làn sóng dịch bệnh tại nước này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 với số ca mắc mới tính theo ngày lên tới 500 nghìn.

Theo trang Worldometers, với 354.531 ca mắc mới và 2.806 ca tử vong, Ấn Độ là nước ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong do Covid-19 nhất trong ngày 25-4. Các bác sĩ của Viện Y khoa Ấn Độ tại New Delhi đánh giá, dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh gấp tới bốn lần so với tỷ lệ này trong năm 2020, hiện cứ một người bệnh có thể lây bệnh sang cho 9 đến 10 người tiếp xúc. Số ca mắc mới tại Ấn Độ cao gấp 10 lần so với con số này tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

Cách đây ít giờ, Mỹ đã có thông báo chính thức về kế hoạch hỗ trợ Ấn Độ vượt qua làn sóng dịch bệnh tàn khốc hiện nay. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25-4 cho biết, Mỹ sẽ ngay lập tức chuyển nguyên liệu thô phục vụ sản xuất vaccine, thiết bị y tế và đồ bảo hộ để giúp Ấn Độ ứng phó với sự bùng phát mạnh số ca mắc Covid-19.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Emily Horne cho biết, các nhà chức trách Mỹ đang làm việc suốt ngày đêm để huy động các nguồn lực và vật tư sẵn có để giúp Ấn Độ sản xuất vaccine Covishield, đồng thời hướng tới hàng triệu người Ấn Độ đang mắc bệnh và có nguy cơ tử vong. Mỹ cũng sẽ gửi phương pháp điều trị, bộ xét nghiệm nhanh và máy thở tới Ấn Độ.

Ông Horne nói thêm, Mỹ cũng đang theo đuổi các mục tiêu nhằm giúp Ấn Độ sản xuất oxy y tế và các vật tư liên quan. Mỹ sẽ điều một nhóm chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Phát triển quốc tế giúp đỡ Ấn Độ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) sẽ hỗ trợ Ấn Độ mở rộng năng lực sản xuất của hãng sản xuất vaccine Biological E với mục tiêu sản xuất ít một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm 2022.

Nguồn Nhân Dân