Thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 2: Chờ Hội đồng Đạo đức thẩm định hồ sơ

ngày 05/01/2021

Tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax ngày 17/12/2020 tại Học viện Quân yNguồn: Nhân Dân

Chiều 4/1, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ĐH Y Hà Nội và IVAC có buổi làm việc bàn kế hoạch tiêm thử nghiệm Covivac trên người. Đây là vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 2 tại Việt Nam và do IVAC nghiên cứu, sản xuất. Tại cuộc họp, các bên bàn về hồ sơ, cơ sở vật chất chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng tại ĐH Y Hà Nội.

TS Thái thông tin, tuần tới, IVAC sẽ nộp hồ sơ chính thức lên Hội đồng Đạo đức để đơn vị này có cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả, tác dụng phụ… của loại vắc-xin mới. Về cơ bản, IVAC đã chuẩn bị xong 90% thủ tục để gửi lên Hội đồng Đạo đức, gồm hồ sơ chuyên môn, giấy chứng nhận chất lượng, kết quả báo cáo đầy đủ của vắc-xin. Dựa trên kết quả thử nghiệm trên động vật, ông Thái tin tưởng vắc-xin sẽ sớm được phê duyệt thử nghiệm. “IVAC làm theo tinh thần phòng chống đại dịch, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị thêm phương án tổ chức, phương án kinh phí cho cuộc thử nghiệm”, ông nói.

“Tất cả các vắc-xin đều có khả năng có tác dụng phụ chứ không chỉ riêng vắc-xin Covivac. Tuy nhiên, tác dụng phụ có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhưng phản ứng thông thường sẽ gặp là sốt, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi toàn thân. Một số phản ứng phụ nặng hơn liên quan đến cơ địa không do vắc-xin mà do cơ thể phản ứng phản vệ lại với vắc-xin. Vì thế, trong các nghiên cứu về vắc-xin, chúng tôi đều chuẩn bị tất cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để ứng phó kịp thời”, ông Thái nói.

Hội đồng Đạo đức sẽ họp thẩm định hồ sơ để xem xét đưa ra quyết định cho phép thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 thứ 2 trên người ở cả hai miền Nam và Bắc để đảm bảo tính đồng đều.

Ðề xuất dừng các chuyến bay từ nước có biến thể virus

Liên quan phòng chống đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ký Tờ trình gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đề xuất Chính phủ chỉ đạo dừng tổ chức và hạn chế cấp phép chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm biến thể SARS-CoV-2 mới. Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, kết quả xét nghiệm 6 ca nhiễm COVID-19 trên chuyến bay từ Anh về sân bay Cần Thơ ngày 22/12/2020 đã phát hiện bệnh nhân 1435 mang biến thể virus gây dịch COVID-19 chủng mới. Đây là chủng virus có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng virus trước đây. Đến nay đã có hơn 40 quốc gia hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh cũng như các nước ghi nhận biến thể này.

Liên quan thông tin một người sống tại huyện Bình Chánh, TPHCM sau khi du lịch từ Sa Pa trở về có biểu hiện nghi mắc COVID-19, Bộ Y tế cho biết, kết quả xét nghiệm khẳng định cả 2 mẫu của trường hợp này âm tính với SARS-CoV-2.

Tối 4/1, Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca mắc COVID-19 nhập cảnh được cách ly tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM. Trước đó, trên cùng chuyến bay đã ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Bình Dương.


Nguồn: TH