Mỹ: Mục tiêu sản xuất được 1-2 tỷ liều vaccine năm 2021
Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ cho hay cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu dành cho vaccine NVX-CoV2373 ngừa Covid-19 đã có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, vaccine đã gây ra phản ứng miễn dịch và sản sinh ra lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhiều hơn ở cả những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Trong thông cáo báo chí, Novavax nêu rõ trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, 131 tình nguyện viện khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-59 tuổi được nhận yêu cầu sử dụng giả dược, trong khi hai nhóm còn lại (mỗi nhóm 5 người) được tiêm hai liều vaccine với liều lượng lần lượt là 5 và 25 microgram vào hai thời điểm khác nhau.
Sau liều tiêm thứ nhất, cơ thể của tất cả những người được nhận vaccine đều sản sinh ra kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2. 28 ngày sau khi liều vaccine thứ hai, tất cả các tình nguyện viên của hai nhóm 5 người đều ghi nhận mức sản sinh kháng thể trung hòa mạnh hơn. Novavax cho biết vaccine NVX-CoV2373 cũng gây ra một số tác dụng phụ như đau ở vùng da bị tiêm, đau đầu, mệt mỏi và đau cơ. Theo Novavax, liều vaccine hàm lượng 5 microgram có tác dụng gần như tương đương với liều cao hơn và gây ra ít tác dụng phụ hơn.
Cuộc thử nghiệm này được tiến hành tại Australia vào cuối tháng 5 vừa qua và giai đoạn III của quá trình thử nghiệm NVX-CoV2373 dự kiến diễn ra vào mùa thu này. Nếu thành công, trước mắt, Novavax đặt mục tiêu đến tháng 1-2021 sẽ sản xuất được 100 triệu liều vaccine và từ 1-2 tỷ liều trong năm 2021. Tháng trước, Novavax đã nhận 1,6 tỷ USD tiền hỗ trợ của Chính phủ Mỹ theo chương trình “Operation Warp Speed” nhằm đẩy nhanh các dự án phát triển và bào chế vaccine ngừa Covid-19.
Ngoài Novavax, các hãng dược phẩm của Mỹ khác cũng được nhận hỗ trợ của Chính phủ là Moderna và AstraZeneca. Cả hai công ty này đang bước vào giai đoạn thử nghiệm vaccine cuối cùng. Không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang trong cuộc đua tìm kiếm và bào chế vaccine Covid-19. Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier cho biết WHO rất lạc quan trước các thông tin về phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Nga.
Nga: Mục tiêu mỗi tháng sản xuất hàng triệu liều vaccine Covid-19
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết dự kiến vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga sẽ được đăng ký giấy phép trong vòng mấy ngày nữa. Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng các tình nguyện viên thử nghiệm loại vaccine này đã cho thấy phản ứng miễn dịch mà không gây tác dụng phụ. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho hay Nga đang lên kế hoạch bắt đầu tổ chức tiêm vaccine đại trà vào tháng 10.
Loại vaccine được sử dụng trong đợt tiêm chủng này do Viện Nghiên cứu dịch tễ - Vi trùng học Gamaleya nghiên cứu và phát triển. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đang đẩy mạnh nghiên cứu một vài mẫu vaccine, trong đó có vaccine được bào chế tại Viện Gamaleya ở Mátxcơva đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và tiến tới giai đoạn phát triển đầu tiên.
Vaccine của Viện Gamaleya bào chế là vaccine vector tái tổ hợp, sử dụng virus hoặc vi khuẩn đã được làm giảm động lực để đưa ADN vào trong tế bào cơ thể người. Ngoài ra, một mẫu vaccine nữa do phòng thí nghiệm Vektor đặt trụ sở ở Siberia phát triển hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng và 2 mẫu vaccine khác sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người trong vòng 2 tháng tới.
Thực tế, Nga thông báo mục tiêu của nước này là sản xuất hàng loạt vaccine phòng virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19 vào tháng 9 tới và sang năm 2021 sản xuất hàng triệu liều mỗi tháng. Trả lời phỏng vấn của Hãng tin TASS, Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov nêu rõ: “Chúng tôi đang trông chờ bắt đầu đưa vaccine vào sản xuất hàng loạt vào tháng 9 nước này. Chúng tôi sẽ có thể đảm bảo sản xuất số lượng hàng trăm nghìn liều vaccine trong một tháng và sẽ cuối cùng sẽ tăng lên vài triệu liều bắt đầu vào năm tới. Một nhà sản xuất vaccine đang chuẩn bị công nghệ sản xuất tại 3 địa điểm ở miền Trung nước này”.
Nga tăng cường các hoạt động nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 trong bối cảnh nước này có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Tính đến nay, Nga ghi nhận 856.264 ca mắc Covid-19, trong đó có 14.207 ca tử vong.
Philippines thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Philippines Fortunato De La Pena cho biết nước này bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc cảm cúm Avigan của Nhật Bản, nhằm đánh giá hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bên cạnh Avigan, Philippines cũng đang tiến hành thử nghiệm tương tự với thuốc Remdesivir, từng được sử dụng trong điều trị bệnh Ebola, cũng như một loại thuốc chứa interferon để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Chính phủ Philippines trước đó cho biết đã chi 18 triệu Peso (367.000 USD) cho các cuộc thử nghiệm thuốc Avigan, trong đó ít nhất 3 cơ sở y tế được phép sử dụng thuốc này để chữa trị cho khoảng 80-100 bệnh nhân. Tuần trước, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire xác nhận nước này đã tiếp nhận khoảng 199.000 viên Avigan từ Nhật Bản để bắt đầu thử nghiệm nói trên. Avigan là một loại thuốc uống chống cảm cúm, ban đầu được biết đến với tên gọi Favipiravir, do một công ty con của Tập đoàn Fujifilm Holdings (Nhật Bản) sản xuất.
Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) cũng vừa cấp phép tạm thời sử dụng thuốc Dexamethasone - một hợp chất steroid phổ biến gồm các hormone và vitamin tự nhiên trong cơ thể, trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trước nguy cơ thiếu hụt thuốc remdesivir. Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan Chuang Jen-hsiang cho biết các chuyên gia y tế quyết định cho phép tạm thời đưa Dexamethasone vào danh sách các loại thuốc được sử dụng trong điều trị Covid-19, nhưng cũng lưu ý rằng cần hoàn thành nhiều thủ tục trước khi thuốc chính thức được dùng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.