Những trường hợp nào được cho là vô sinh hiếm muộn? Làm thế nào để nắm bắt và tận dụng 'thời gian vàng' trong điều trị vô sinh hiếm muộn nhằm đạt hiệu quả cao nhất? Mức chi phí cho một lần điều trị vô sinh hiếm muộn có quá cao?...
Để hiểu rõ hơn về những vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá, Thầy thuốc Ưu tú, PGS, TS Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y), Tổng thư ký Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội (HASAR).
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, như thế nào được cho là vô sinh hiếm muộn? Đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vô sinh hiếm muộn?
Thượng tá Trịnh Thế Sơn: Qua thực tiễn khám, điều trị cũng như nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, những năm gần đây, tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng ngày càng có xu hướng gia tăng, kể cả những vợ chồng trẻ. Để phát hiện sớm trường hợp vô sinh hiếm muộn, có hai dấu hiệu cần lưu ý: Những cặp vợ chồng cưới nhau một năm, đã quan hệ thường xuyên mà không sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng 12 tháng nhưng vẫn không thể có thai; những trường hợp người vợ trên 35 tuổi thì sau thời gian 6 tháng quan hệ bình thường mà vẫn không thể mang thai.
Thượng tá, Thầy thuốc Ưu tú, PGS, TS Trịnh Thế Sơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn vô sinh: Do vợ 40%, do chồng 40%, do cả vợ và chồng cũng như chưa rõ nguyên nhân cùng chiếm khoảng 20%. Có hai dạng vô sinh là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là khi quan hệ tình dục thường xuyên quá một năm mà không sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng không có thai lần nào; vô sinh thứ phát là đã từng mang thai nhưng sau đó không thể có thai được nữa.
Các trường hợp này đều có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Đối với nam giới, nguyên nhân có thể gặp là bất thường về chất lượng cũng như số lượng tinh trùng, bệnh lý di truyền, tổn thương và viêm nhiễm tại tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích... Đối với nữ có thể là các bất thường về mặt di truyền, rối loạn rụng trứng, đa nang buồng trứng, các bệnh lý và viêm nhiễm tại tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, suy buồng trứng gặp sau phẫu thuật...
PV: Theo đồng chí, việc phát hiện sớm vô sinh hiếm muộn có những ích lợi như thế nào đối với người bệnh?
Thượng tá Trịnh Thế Sơn: Việc phát hiện sớm vô sinh hiếm muộn đối với người bệnh có rất nhiều ích lợi. Thứ nhất, nó giúp người bệnh tận dụng được “thời gian vàng” trong quá trình điều trị. Thứ hai, phát hiện sớm và điều trị sớm góp phần giảm chi phí, hạn chế nguy cơ bệnh nặng và không để lại di chứng. Nói ngắn gọn, phát hiện và điều trị vô sinh hiếm muộn càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao và ngược lại.
PV: Được đánh giá là một trong những đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn trong cả nước, đồng chí có thể nói rõ hơn về những phương pháp tiên tiến nào đang được áp dụng để điều trị hiếm muộn vô sinh tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội? Tỷ lệ thành công ra sao, thưa đồng chí?
Thượng tá Trịnh Thế Sơn: Chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị đầu tiên, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn nam và nữ trong cả nước (đơn vị thứ 3 trong cả nước và đơn vị đầu tiên trong quân đội tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm thành công) tiên phong áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến.
Ví dụ như phương pháp vi phẫu thuật micro-TESE ở nam giới (hay còn gọi là phương pháp phẫu thuật tìm tinh trùng cho bệnh nhân vô tinh) giúp người đàn ông hoàn toàn có thể có được đứa con mang huyết thống của chính mình. Phương pháp ưu việt này đã được Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện điều trị hiếm muộn trên cả nước.
Các bác sĩ Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội thực hiện kỹ thuật trong điều trị vô sinh hiếm muộn.
Cùng với đó, có nhiều phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn tiên tiến đang được áp dụng tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội nói riêng và các trung tâm trong cả nước nói chung. Tôi có thể điểm qua, như: Điều trị nội khoa (dùng thuốc), điều trị ngoại khoa (những trường hợp bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật nhằm giúp người bệnh cải thiện chức năng sinh lý), thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), vi phẫu thuật thu tinh trùng từ tinh hoàn (micro-TESE), hỗ trợ bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP), chẩn đoán di truyền trước và sau làm tổ (PGT-a; PGT-m, PGT-sr)...
Với nhiều tiến bộ trong các phác đồ điều trị, trong nuôi cấy phôi, đặc biệt là trong lưu trữ phôi, chuẩn bị niêm mạc cho chuyển phôi và hỗ trợ hoàng thể cho nên tỷ lệ cộng dồn của một chu kỳ IVF tăng với kết quả thành công lên tới 65-70%.
PV: Thưa đồng chí, kinh phí để thực hiện một ca điều trị hiếm muộn vô sinh là khá lớn. Trước thực tế đó, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội có chủ trương gì để hỗ trợ những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn vô sinh?
Thượng tá Trịnh Thế Sơn: Quả thực, chi phí cho một ca hiếm muộn, nhất là những ca phức tạp là tương đối cao so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động nói chung, gia đình quân nhân nói riêng. Các kỹ thuật điều trị trong vô sinh tương đối tốn kém. Tuy nhiên, mức chi phí phụ thuộc bản thân bệnh nhân, phương pháp điều trị. Nếu đối tượng hiếm muộn ở độ tuổi trẻ, mức độ dùng liều thấp sẽ đỡ chi phí.
Tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, mức chi phí cho một ca điều trị hiếm muộn vô sinh từ đơn giản đến phức tạp dao động từ 40 triệu đồng đến 90 triệu đồng (chưa kể chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình điều trị). Chúng tôi cũng khuyến cáo, để điều trị hiếm muộn vô sinh đạt hiệu quả cao nhất, đỡ tốn kém nhất thì trước hết người trong cuộc phải khám sớm và điều trị sớm; có niềm tin vào bản thân, vào đội ngũ bác sĩ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Nhằm hỗ trợ quân nhân nằm trong diện hiếm muộn trong toàn quân, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội có chủ trương miễn phí toàn bộ chi phí siêu âm và khám cho các đối tượng là quân nhân đến khám, điều trị tại đây trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn: https://www.qdnd.vn/y-te/suc-khoe-tu-van/tan-dung-thoi-gian-vang-trong-dieu-tri-hiem-muon-684240