Suýt ngừng tim do uống thuốc nam chứa chất cấm

ngày 19/03/2021

Bệnh nhân N.Đ.D. (nam, 63 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) ngày 15/3 trong tình trạng vật vã, kích thích, tụt huyết áp.

Các chỉ số cho thấy bệnh nhân suy đa tạng, suy thận, toan chuyển hóa và toan lactic rất nặng, mạch rời rạc và chuẩn bị ngừng tim.

Lúc này, bác sĩ Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, chẩn đoán ông mắc bệnh lý liên quan chuyển hóa, ngộ độc. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, các đường truyền, sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu. May mắn, ông qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân trong quá trình lọc máu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Vợ bệnh nhân cho biết ông có tiền sử tiểu đường 20 năm, cao huyết áp và viêm phổi. Qua lời truyền miệng, ông tự ý sử dụng 2 loại thuốc dạng bột và viên hoàn được bọc trong túi không nhãn mác.

Qua kết quả từ phòng pháp y, các bác sĩ phát hiện một túi chứa paracetamol, túi thuốc còn lại dạng viên hoàn có phenformin – loại thuốc tiểu đường đã bị cấm lưu hành và sử dụng.

Bác sĩ Nam cho biết: “Trường hợp này rất hiếm gặp vì phenformin đã bị cấm sử dụng để điều trị tiểu đường trên thế giới từ những năm 70. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã cấm sử dụng thuốc chứa nhóm chất này. Dù hạ đường huyết rất nhanh, chất này gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như toan lactic, suy thận nặng, tỷ lệ tử vong do ngộ độc trên 60%”.

Sau 3 ngày lọc máu, xu hướng huyết động của bệnh nhân cải thiện, cắt được vận mạch và dừng lọc máu. Các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân cùng chức năng thận hiện trở về bình thường, có nước tiểu. Dự kiến, khoảng 1-2 ngày tới, bệnh nhân sẽ được rút ống nội khí quản và tiếp tục theo dõi.

Các bác sĩ khuyến cáo tiểu đường là bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài kết hợp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Đến nay, thế giới chưa có loại thuốc nào điều trị dứt điểm căn bệnh này sau một vài đợt điều trị.

Hiện chương trình quản lý bệnh tiểu đường được triển khai tới các bệnh viện tuyến quận, huyện. Người bệnh tiểu đường nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị an toàn, đồng thời tư vấn về dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.

Ngoài ra, bệnh nhân tuyệt đối không nghe dụ dỗ, quảng cáo về những phương thuốc có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường dẫn đến tiền mất, tật mạng.

Nguồn Zing