Phòng tránh, điều trị cảm lạnh khi trời rét

ngày 16/02/2022

Thời tiết toàn miền Bắc đang đón nhận đợt rét đậm, rét hại tăng cường. Thời tiết này khiến bệnh tật gia tăng. Một trong các bệnh hay gặp nhất đó là cảm lạnh, đặc biệt là ở người già và trẻ em.

1. Vì sao bị cảm lạnh?

Cảm lạnh là bệnh xảy ra do nhiễm virus ở đường hô hấp trên như mũi và họng. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng thường gây khó chịu cho người mắc.

Hầu hết bị cảm lạnh sẽ tự khỏi và phục hồi sau khoảng 3-7 ngày

Có rất nhiều loại virus có thể gây ra cảm lạnh, nhưng virus thuộc nhóm rhinovirus là nguyên nhân chính gây bệnh. Virus lây truyền khi người bệnh ho hay hắt hơi hoặc người lành tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết của người bệnh.

Một số chủng virus khác cũng có thể gây cảm lạnh đó là:

Virus hợp bào hô hấp
Adenovirus, coronavirus và metapneumovirus
Virus parainfluenza

Hầu hết bị cảm lạnh sẽ tự khỏi và phục hồi sau khoảng 3-7 ngày. Ai cũng có thể mắc cảm lạnh nhưng người già trẻ nhỏ dẽ mắc bệnh hơn.

2. Làm thế nào để biết bạn mắc cảm lạnh?

Biểu hiện đầu tiên của cảm lạnh chỉ là đau hay rát họng. Sau có kèm theo các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho hoặc hắt hơi.

Cảm lạnh có thể còn bị sốt, mệt mỏi, đau người. Bệnh nhân cảm thấy chán ăn. Những triệu trên thường mất đi sau 7 ngày.

Những người có miễn dịch kém như bệnh nhân mắc bệnh mãn tính có miễn dịch bị suy yếu sẽ dễ bị cảm lạnh.

3. Các biến chứng khi bị cảm lạnh

Cảm lạnh nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa…

Đối với những người có bệnh nền về hô hấp, hen phế quản, COPD…thì cảm lạnh có thể làm khởi phát những cơn kịch phát cấp tính.

- Viêm phế quản: Biểu hiện của bệnh này là ho kéo dài, có đờm xanh hoặc vàng. Bệnh nhân có thể bị sốt, sụt cân, mệt mỏi. Khó nói chuyện hoặc nuốt. Đau tức ngực.

- Viêm xoang: Virus cảm lạnh xâm nhập các hốc xoang. Lúc này, bạn thấy đau đầu, nghẹt mũi, khó cảm nhận vị giác, khứu giác, ăn không thấy ngon miệng. Miệng hôi, sốt.

- Viêm, đau tai: Khi bị cảm lạnh, các dịch ứ trong tai, phía sau màng nhĩ khiến cho vi sinh vật phát triển và gây nhiễm khuẩn. Lúc này bệnh nhận thấy đau tai 1 hoặc cả 2 bên. Nghe không rõ, suy giảm thính lực.

4. Khi nào cần đi khám?

Bạn không nên chủ quan khi cảm lạnh. Hãy đến bác sĩ ngay khi:

Sốt kéo dài quá 5 ngày không hạ
Khó thở, thở khò khè
Đau họng dữ dội, đau đầu hoặc đau xoang
Đau tai
Chán ăn, người mệt mỏi.

Cảm lạnh không phải bệnh khó chữa nhưng dễ mắc nên cần chú trọng vào việc phòng ngừa.

5. Giải pháp phòng ngừa cảm lạnh

Cảm lạnh không phải bệnh khó chữa nhưng dễ mắc. Thế nên phòng ngừa bệnh luôn được chú trọng

- Vệ sinh cá nhân thường xuyên: Rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn. Tránh tiếp xúc gần người bệnh.

- Sử dụng khăn giấy: Hắt hơi và ho vào khăn giấy. Vứt khăn giấy đã dùng ngay, sau đó rửa tay cẩn thận. Tăng cường bổ sung các vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C. Bổ sung bằng cách ăn nhiều rau củ, quả, trái cây có chứa vitamin C như cam, nước chanh, bưởi, các loại rau cải màu xanh.

- Khử trùng các vật dụng: Vệ sinh bếp, mặt bàn, đồ dùng, đồ chơi… bằng chất khử trùng nếu nhà bạn đang có người bị cảm lạnh

- Vệ sinh răng miệng đúng cách. Súc họng bằng nước muối pha loãng, dung dịch súc họng bán sẵn trên thị trường.

- Rèn luyện, tập thể dục thể thao hằng ngày với các bộ môn phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của bản thân. Ăn đủ chất. Ngủ đủ giấc. Kiểm soát tâm lý tốt để phòng bệnh hiệu quả.

ThS. BS Hà Hùng

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//phong-tranh-dieu-tri-cam-lanh-khi-troi-ret-169220214224625731.htm