Phòng ngừa và điều trị bệnh sốt xuất huyết

ngày 14/08/2019

Phòng ngừa và điều trị bệnh sốt xuất huyết

Bệnh này sẽ không nguy hiểm nếu bạn biết cách phòng chống và khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần phải thăm khám và theo dõi điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh sốt xuất huyết do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị tiêu diệt virus. Bệnh chỉ có thể phòng được bằng cách diệt muỗi và tránh muỗi đốt.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh có hai thể (sốt dengue và sốt xuất huyết dengue), xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:

Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy (lăng quăng).

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.

Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).

Sử dụng chất chống côn trùng và chống muỗi

Lắp đặt cửa chống muỗi

Cẩn thận với bệnh nhân sốt xuất huyết

Luôn ngủ màn ngay cả vào ban ngày và ban đêm

Che đậy bằng nắp thùng

Trồng cây đuổi muỗi

Đốt dầu long não

Chữa sốt xuất huyết bằng bài thuốc dân gian

Bài 1: Rau má 20g, cỏ mần trầu 20g, lá huyết dụ 20g, lá cối xay 20g, cỏ nhọ nồi sao cháy 40g, sắc đặc uống.

Bài 2: Lá cối xay, lá bông mã đề (hoặc rau má hoặc cỏ mần trầu hoặc cỏ tranh) mỗi thứ 10 - 20g, cỏ nhọ nồi tươi 30 - 40g (nếu khô thì 15 - 20g), trắc bá diệp sao đen 12g (hoặc lá huyết dụ hoặc hoa hòe 16g), sắc uống trong ngày. Nếu có ban ngứa cho thêm rau sam 20g; nếu nhức đầu, nôn, khát nước cho thêm sắn dây 20g; nếu đại tiện táo cho thêm mồng tơi 20g hoặc rau sam 20g.

Bài 3: Lá cúc tần 12g, cỏ nhọ nồi 16g, bông mã đề 16g, trắc bá diệp sao đen 16g (nếu không có thì thay bằng kinh giới sao đen 12g), sắn dây 20g (nếu không có thì thay bằng lá dâu 16g, rau má 16g, lá tre 16g, gừng tươi 3 lát, sắc với 600ml nước trong 30 phút, uống ấm, chia 3 lần trong ngày.

Bài 4: Sinh địa 12g, mạch môn 12g, hoa hòe 12g, huyền sâm 12g, cỏ nhọ nồi khô 30g, sắc với 3 bát nước, cô lại còn 1 bát chia uống 2 lần trong ngày. Dùng tốt cho trường hợp có xuất huyết dưới da, nôn hoặc đại tiểu tiện ra máu.

Bài 5: Rau diếp cá 100g, rau ngót 100g, cỏ nhọ nồi 50g, rửa sạch, vò với nước sôi để nguội, chia uống nhiều lần trong ngày.

Bài 6: Hành thái (sâm cau) sao đen 20g, trắc bá diệp sao đen 16g, cỏ nhọ nồi 12g, quả dành dành sao đen 8g, sắc với 600ml nước, cô lại còn 300ml, chia uống 6 lần trong ngày. Dùng tốt cho trường hợp sốt cao và đã có ban xuất huyết.

Bài 7: Cỏ nhọ nồi 20g, lá cối xay sao vàng 12g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, kim ngân hoa 12g, hạ khô thảo sao qua 12g (nếu không có thì thay bằng bồ công anh 12g), hoa hòe 10g, gừng tươi 3 lát, sắc với 600ml nước trong 30 phút, uống ấm chia 3 lần trong ngày.

Bài 8: Cỏ nhọ nồi 20g, cam thảo 6g, hoạt thạch 12g (nếu không có thì thay bằng lá cối xay 12g), bông mã đề 16g (nếu không có thì thay bằng lá tre 16g, gừng tươi 3 lát, sắc với 600ml nước sạch trong 30 phút, uống ấm, chia 3 lần trong ngày. Khi hết sốt thì ngừng thuốc ngay.

*** Những bài thuốc trên chỉ được dùng đơn thuần cho sốt xuất huyết độ I (người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết) và cấp độ 2 (người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, thậm chí nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài).

Với độ III và IV (bệnh nhân có biểu hiện sốc và sốc nặng) nhất thiết phải sử dụng các biện pháp của y học hiện đại, các bài thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị.

Điều trị sốt xuất huyết

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Việc điều trị bao gồm việc làm giảm các triệu chứng của bệnh. Có thể tự chăm sóc mình ở nhà dựa vào một số lời khuyên sau đây:

Với những trường hợp bị nhẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà bằng cách cho người bệnh nằm nghỉ ngơi; bù nước qua đường uống, cho bệnh nhân uống nhiều nước, dung dịch Oresol, nước trái cây, nước dừa, nước ép để bổ sung vitamin C,…bởi vì đây là chất có vai trò quan trọng trong việc hồi phục cơ thể khi mắc bệnh sốt xuất huyết. Loại vitamin này hỗ trợ trong việc sửa chữa, tăng trưởng và phát triển các mô bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, vitamin C còn nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch bằng cách tăng cường kháng thể và sản xuất tế bào bạch cầu; ăn cháo, soup, sữa; chườm mát bằng nước ấm để hạ sốt; sốt cao trên 38,5 độ C cần cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn để giảm cơn đau và hạ sốt, không dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể làm nặng thêm tình trạng xuất huyết;

Thông thường sau 11 – 12 ngày, nếu không có dấu hiệu biến chứng là bệnh đã khỏi.

Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

Với những trường hợp nặng (người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch), cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu tại bệnh viện. Những trường hợp nặng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não… gây nguy hiểm đến tính mạng.


Nguồn: Báo Thời Đại