Mặc cảm vì chỉ có 1 bên
Mới đây, em Nguyễn Trường N. (16 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình) cùng bố mẹ lên Hà Nội khám vì bìu chỉ có 1 tinh hoàn. Theo gia đình của N. từ bé thấy con có bất thường ở tinh hoàn, chỉ thấy có một tinh hoàn ở bìu nhưng lúc đó không hiểu biết nhiều nên không đi khám hay kiểm tra gì.
Bản thân của N. cũng thấy không đau đớn gì nên sống chung với tinh hoàn lạc chỗ mà không biết. Khi lên lớp 10, N, đi học và một lần nghe trên đài truyền thanh xã nói về bệnh lý tinh hoàn lạc chỗ, N. giật mình vì bìu của mình thiếu 1 hòn.
Do mặc cảm nên cậu không kể với ai. Trong dịp Tết, khi anh trai đi xa về quê ăn Tết, N mới thủ thỉ với anh rằng sao bìu chỉ có 1 tinh hoàn và chờ mãi không thấy bên còn lại rơi xuống. Anh trai của N. sống ở thành phố lâu nên hiểu hơn và đã bảo với bố mẹ cần cho N. đến bệnh viện kiểm tra.
Sau đó gia đình cho N lên bệnh viện tỉnh kiểm tra, bác sĩ siêu âm cho biết N. bị tinh hoàn lạc chỗ và giờ phẫu thuật tìm tinh hoàn. Tuy nhiên, khi siêu âm không tìm thấy tinh hoàn ở đâu nên không thể phẫu thuật hạ tinh hoàn. Gia đình lại đưa N. lên Hà Nội kiểm tra lại.
Sau khi siêu âm bác sĩ phát hiện tinh hoàn mắc kẹt trên đường từ ổ bụng xuống bìu. Tuy nhiên, tinh hoàn đã bị xơ hóa không thể nào đưa về vị trí ban đầu mà phải cắt bỏ để phòng ung thư. Kết quả xét nghiệm sinh thiết không có tế bào ác tính. Bác sĩ cho biết nếu để lâu thì tinh hoàn lạc chỗ xơ hóa dần và có thể biến thành khối u ác tính.
Trường hợp của N. nếu muốn có đủ hai bên tinh hoàn cần đặt tinh hoàn nhân tạo để mang tính thẩm mỹ. Bác sĩ cho biết chức năng sinh sản của N. không bị ảnh hưởng nhiều nếu 1 bên 'nhà máy' hoạt động tốt. Khi xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ thấy tinh trùng tốt. Gia đình của em N. đang suy nghĩ có nên gửi thêm con giống của cậu bé để phòng bất trắc khi cậu trưởng thành. Bác sĩ khuyên nên chờ cậu bé đủ 18 tuổi.
Nguy cơ tinh hoàn lạc chỗ
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Cừ - chuyên khoa nam học, Bệnh viện đa khoa An Việt Hà Nội, tỷ lệ tinh hoàn ẩn chiếm 33% ở bé trai sinh non, 3,4% ở trẻ sinh đủ tháng. Đây là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) khi trẻ đã được sinh ra mà nằm trong ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu.
Bình thường ở trẻ trai, tinh hoàn hình thành trong bụng trong thời gian phát triển của thai nhi. Trong vài tháng cuối cùng của thai nhi phát triển bình thường, tinh hoàn từ từ rời khỏi bụng, đi qua một đoạn ống bẹn và rơi vào bìu.
Một số trường hợp quá trình di chuyển của tinh hoàn ngừng lại hoặc trì hoãn chậm hơn trong giai đoạn phát triển, có thể rơi xuống tiếp nhưng cũng có trường hợp tinh hoàn ở yên vị trí ban đầu trong ổ bụng hoặc mắc kẹt trên đường “về nhà”.
BS Cừ cho biết nếu phát hiện thấy ở bìu của con mình chỉ có một tinh hoàn hoặc không sờ thấy tinh hoàn nào ở bìu, cha mẹ phải nghĩ đến con mình đang bị tinh hoàn ẩn và hãy đưa con tới cơ sở khám bệnh để kiểm tra.
Nếu trường hợp tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trên đường đi của nó trong bụng, ống bẹn hoặc tinh hoàn không đi xuống bìu mà lạc tới một vị trí khác hay còn gọi tinh hoàn lạc chỗ thì bác sĩ sẽ tìm các giải pháp đưa chúng về đúng vị trí. Trẻ điều trị càng sớm càng tốt cha mẹ không nên nghĩ để tinh hoàn tự tìm về vị trí hay chờ đợi lớn rồi mới làm phẫu thuật.
Tinh hoàn chỉ phát triển tốt nhất và đảm bảo chức năng sinh lý khi tinh hoàn nằm ở bìu vì nhiệt độ ở bìu thấp hơn nhiệt độ cơ thể, phù hợp để tinh hoàn phát triển.
Tinh hoàn không nằm ở bìu sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như: xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nguy cơ ung thư tinh hoàn, giảm khả năng có con…
Tốt nhất bác sĩ Cừ khuyến cáo trẻ nên được mổ lúc 1- 2 tuổi. Trường hợp muộn hoặc chờ trưởng thành nguy cơ không hạ được tinh hoàn về đúng vị trí rất lớn lúc này ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.