Người trẻ Việt mắc bệnh lý gây tử vong hàng đầu, nguyên nhân khiến ai cũng giật mình

ngày 24/11/2022

Trước nhập viện 1 tiếng, người đàn ông 36 tuổi bất ngờ nửa người cứng lại, không cử động được, cơ mặt phải cũng liệt, đáng sợ hơn anh rơi vào trạng thái thất ngôn.

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân N.T.H ( 36 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị nhồi máu não cấp giờ thứ nhất.

Trước nhập viện 1 tiếng, bệnh nhân có biểu hiện thất ngôn, liệt hoàn toàn nửa người phải, liệt cơ mặt phải. Ngay khi được người nhà chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Kết quả Ctscanner sọ não có hình ảnh nhồi máu não vùng đầu nhân đuôi và nhân bèo trái, chưa có tổn thương do xuất huyết não. Các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận chẩn đoán nhồi máu não giờ đầu.

Chỉ trong 25 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được xử trí cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Sau 30 phút dùng thuốc, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực tốt, tỉnh táo trở lại, nửa người phải dần cử động được. Đến nay sau 3 ngày điều trị phục hồi chức năng, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, nói chuyện, vận động và sinh hoạt bình thường.

Tai biến mạch máu não là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới với tỷ mắc ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu

Thống kê tại Bệnh viện Bãi Cháy cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn nguyên cấp cứu của bệnh viện này đã tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não với đa dạng các thể như nhồi máu não, xuất huyết não…

Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Tuyền – Trưởng đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong.

Điều này cũng được PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai thông tin. Theo đó, trong nghiên cứu được thực hiện tại 10 Trung tâm đột quỵ trên toàn quốc từ Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung và phía Bắc kết quả bước đầu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%.

Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ. Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76% chảy máu não là 24%.

“Như vậy ở Việt Nam, tỷ lệ chảy máu não khi bị đột quỵ cao hơn so với nước ngoài, tỷ lệ nhồi máu não thấp hơn và đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chỉ chiếm 50%, còn chảy máu não chiếm đến 46%. Ở người trẻ, tỷ lệ chảy máu não gia tăng rất nhiều"- PGS.TS Mai Duy Tôn cảnh báo.

Trước thực trạng tai biến mạch máu não dẫn đến nguy cơ đột quỵ có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

Người trẻ nên tạo nếp sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn…

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ

Tránh stress trong cuộc sống, công việc, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý…

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là bệnh cảnh, gây ra bởi tình trạng thiếu máu nhu mô hoặc chảy máu trong não. Đây là nguyên nhân tàn phế hàng đầu thế giới và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, hiện nay, số lượng và biểu hiện đột quỵ đang gia tăng ở giới trẻ. Khác với người lớn tuổi, đột quỵ thường do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu não hoặc tăng huyết áp, đột quỵ ở người trẻ thường xảy ra đột ngột và có căn nguyên khác biệt.

Cụ thể như: dị dạng mạch máu não - là các bất thường về giải phẫu của mạch máu não - như phình động mạch não, thông động tĩnh mạch, u mạch, bệnh Moya moya; các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh van tim gây hình thành huyết khối trong các buồng tim, bệnh lý về đông máu (thường là các biểu hiện tăng đông do thiếu các yếu tố như Protein S, Protein C và Antithrombin III); các bệnh lý tăng đông mắc phải hoặc bệnh nhân có gene gây tình trạng tăng đông máu.

Do đó, PGS. TS Lân Hiếu nhấn mạnh, phát phát hiện sớm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế là yếu tố then chốt làm giảm thiểu nguy cơ tử vong và tàn phế.

Cụ thể, khi phát hiện người thân đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết.

Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng (uống viên an cung, cạo gió, lể máu…) để điều trị tại nhà.

Nguồn: infonet.vietnamnet.vn