Người hay thức khuya có thể đối mặt với những căn bệnh nào?

ngày 07/07/2020

Suy nhược thần kinh, đau đầu

Thông thường các dây thần kinh giao cảm của con người sẽ được nghỉ ngơi vào ban đêm và ở trong trạng thái kích thích vào ban ngày. Tuy nhiên, việc thức khuya lại làm xáo trộn chu trình này, khi ép dây thần kinh giao cảm trong trạng thái kích thích trong khoảng thời gian lẽ ra nó được nghỉ ngơi.

Thức khuya khiến chúng ta cảm thấy chóng mặt, giảm trí nhớ, thiếu tập trung

Hiện tượng này sẽ khiến chúng ta ở trong trạng thái thiếu năng lượng, chóng mặt, giảm trí nhớ, thiếu tập trung, phản ứng chậm ngay buổi sáng hôm sau. Nếu thói quen này kéo dài, bạn có thể đối mặt với tình trạng suy nhược thần kinh và mất ngủ.

Nhồi máu cơ tim

Theo các chuyên gia, người có thói quen thức khuya sẽ liên tục ở trong trạng thái căng thẳng, khiến cơ thể tiết ra nhiều adrenaline và các hormone khác có khả năng gây co mạch bất thường.

Thức khuya làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim

Ngoài ra, việc thiếu ngủ kéo dài còn dễ làm khởi phát hoặc nặng thêm bệnh cao huyết áp. Đối với bệnh nhân bị rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành…, thức khuya sẽ là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên tim, làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Ung thư

Thức khuya trong một thời gian dài là nguyên nhân làm tăng rủi ro khởi phát ung thư. Bởi lẽ mất ngủ làm tăng sự tích lũy của các gốc tự do trong cơ thể. Nếu gốc tự do tấn công vào phân tử lipid ở mạch máu, nó sẽ góp phần gây ra xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ,….

Thức khuya làm tăng rủi ro khởi phát ung thư

Gốc tự do tấn công vào ADN ở nhân tế bào sẽ góp phần làm thay đổi cấu trúc ADN, gây đột biến hoặc chết tế bào, gây lão hóa hoặc nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là ung thư. Không chỉ vậy, việc thức khuya còn gây rối loạn nội tiết tố của con người, tác động vào quá trình phân chia của tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư.

Bệnh tiểu đường

Nếu đêm muộn là thời gian yêu thích của bạn trong ngày thì bạn có thể đặt mình trước nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy những người thường thức đến 1-2 giờ sáng dễ mắc bệnh tiểu đường hơn những người đi ngủ đúng giờ, cho dù họ vẫn ngủ đủ 7 đến 8 tiếng đồng hồ.

Thức khuya làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Theo đó, các “cú đêm” thường tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo từ ti vi và điện thoại di động, một thói quen liên quan đến giảm nhạy cảm với insulin và điều hòa đường huyết kém. Thức khuya cũng liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém và mất ngủ, có thể làm gián đoạn sự trao đổi chất.

Rối loạn chức năng miễn dịch

Khi đi ngủ, cơ thể sẽ bước vào quá trình sửa chữa các thương tổn, dọn dẹp độc tố đồng thời tăng sinh các tế bào miễn dịch. Do đó, nếu thức khuya trong thời gian dài hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Thức khuya trong thời gian dài hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng đáng kể

Khi lớp phòng thủ của cơ thể suy yếu cũng là thời cơ cho các bệnh cơ hội bùng phát. Biểu hiện rõ nhất là tần suất mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm, cúm hoặc bệnh đường ruột như viêm dạ dày, viêm đường ruột sẽ tăng lên thấy rõ.

Nhìn chung, việc thức khuya không những không tốt cho sứ khỏe mà còn là nguyên nhân gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý, ăn uống điều độ, đi ngủ và thức giấc đúng giờ để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh!


Nguồn: Báo Đời Sống Plus