Người bệnh sau đột quỵ được ra viện cần phải tập luyện hồi chức năng cơ thể. Việc này rất quan trọng giúp người bệnh phục hồi các chức năng nhanh nhất.
Gia đình, người thân sẽ giúp người bệnh đột quỵ phục hồi nhanh
Ngoài nhân viên y tế, các kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh đột quỵ tập luyện, phục hồi chức năng thì gia đình người bệnh, người thân có vai trò quan trọng giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh đột quỵ luyện tập và phục hồi chức năng hiệu quả.
Để phục hồi chức năng sau đột quỵ đạt hiệu quả, người bệnh cần thực hiện sớm, ngay khi còn đang nằm trên giường bệnh, thường 24-48h sau đột quỵ. Và sau khi điều trị được xuất viện, người bệnh vẫn cần thực hiện các biện pháp tập luyện nhằm phục hồi các chức năng của cơ thể.
Nhiều người bệnh đột quỵ sau khi được điều trị vẫn còn liệt hoặc yếu cơ nên phải tham gia vào các bài tập vận động thụ động hoặc chủ động để tăng cơ lực chi bị liệt. Lúc này người bệnh cần sự hỗ trợ hoặc có thể tự bản thân người bệnh cần tích cực hơn trong luyện tập… giúp thúc đẩy phục hồi nhanh hơn.
Tùy từng người bệnh, thể bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ hướng dẫn người nhà cũng như bệnh nhân tập các bài luyện tập, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Việc tập các bài tập thế nào, động tác, tiến độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:
- Mức độ tổn thương, bệnh nhân có thể ngồi dậy, di chuyển giữa các giường, đứng lên, đi bộ có hoặc không có sự trợ giúp.
- Các động tác, bài tập đơn giản có thể được đưa ra đối với người bệnh từ đơn giản đến phức tạp các động tác đơn giản như: vận động tay, chân, cổ… đến thực hiện các động tác phức tạp hơn như tắm, mặc quần áo, sử dụng toilet,...
Một số bài tập vận động ở người bệnh sau đột quỵ cần có sự can thiệp, hỗ trợ của các kỹ thuật viên.
- Người bệnh cần thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày bằng cách dùng thuốc theo đơn, cách chăm sóc da, cách di chuyển từ giường đến ghế ngồi... Đặc biệt là các sinh hoạt cá nhân như tắm, vệ sinh tự chủ... đều được giúp đỡ để thực hiện và tự thực hiện. Nếu bệnh nhân không tự chủ đại tiểu tiện, điều dưỡng có thể hướng dẫn người chăm sóc cách đặt sonde và theo dõi.
- Đối với người bệnh cần điều trị các vấn đề liên quan đến suy giảm vận động và cảm giác… cần được các bác sĩ vật lý trị liệu kiểm tra, đánh giá ở bệnh nhân đột quỵ từ đó đưa ra chương trình phục hồi chức năng phù hợp với từng cá nhân nhằm phục hồi hiệu quả nhất.
- Người bệnh cần thực hành lặp đi lặp lại nhiều lần, các bài tập phức tạp đòi hỏi nhiều sự phối hợp và cân bằng, chẳng hạn như đi lên hoặc đi xuống cầu thang hoặc di chuyển an toàn giữa các chướng ngại vật.
- Các bài tập và thư giãn cũng cần được lưu ý đối với người bệnh bệnh đột quỵ. Người bệnh cần học, tập luyện lại các kỹ năng sinh hoạt thường ngày như: chải tóc, rửa mặt, chải răng... chăm sóc bản thân để thấy được sự phục hồi lấy lại tự tin.
- Vấn đề trị liệu ngôn ngữ - lời nói ở người bệnh đột quỵ cũng rất quan trọng. Để giúp bệnh nhân tập nói, giao tiếp cải thiện ngôn ngữ và khả năng nuốt… ngoài hướng dẫn của các bác sĩ vật lý trị liệu thì người thân đóng vai trò quan trọng để cải thiện chức năng này. Các bài tập tích cực như lặp lại lời của người hướng dẫn tập nói, thực hành theo hướng dẫn, kỹ năng đọc hoặc viết là nền tảng của phục hồi ngôn ngữ.
Những chú ý khi luyện tập ở người bệnh đột quỵ
Đáng chú ý khi tập luyện sau đột quỵ đó là phòng ngừa té ngã ở người bệnh. Nếu người bệnh bị té ngã thì cần nghỉ ngơi sau đó kiểm tra sờ nắn những vị trí tay chân, cổ xương quay, xương đùi… nếu người bệnh cử động cảm thấy đau, cần đưa đến cơ sở y tế để chụp Xquang.
Chú ý thứ hai là tránh để người bệnh tập luyện quá mức khiến cho người bệnh sẽ sợ tập luyện. Nếu người bệnh thấy mệt mỏi, chán nản hãy cho nghỉ ít phút để thư giãn, nghỉ ngơi thay vào đó cho người bệnh nghe nhạc, xem tivi... để giảm bớt căng thẳng mệt mỏi.
Để cải thiện quá trình hồi phục sau đột quỵ cần bắt đầu luyện tập sớm và phù hợp thì khả năng phục hồi sau đột quỵ càng cao.
Người bệnh cần có nhiều động lực, cố gắng và chỉ cần kiên trì luyện tập chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Quá trình tập luyện tăng dần, lặp lại nhiều lần, tần suất cao… Mỗi người bệnh cụ thể, thời gian cụ thể sau đột quỵ sẽ có những bài tập khác nhau cho phù hợp. Do đó, cần thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về dùng thuốc, luyện tập, tái khám…
Tóm lại: Những chú ý ở người bệnh đột quỵ mà người thân cần chú ý là luôn đồng hành cần mẫn với người bệnh. Ngoài việc tập luyện phục hồi không chỉ giúp nhanh bình phục mà còn phải chú ý đến chăm sóc sức khỏe toàn diện để ngăn ngừa tái phát đột quỵ. Để thực hiện được điều này, người bệnh cần được chăm sóc toàn diện từ tập luyện, kiểm soát huyết áp, tiểu đường và loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, chế độ ăn nhiều cholesterol, uống rượu... tái khám định kỳ.
Nguồn: suckhoedoisong.vn