Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã kịp cứu sống 1 cháu bé 3 tuổi ở Tiền Giang suýt mất mạng do viêm cơ tim, mà biểu hiện ban đầu hết sức mơ hồ chỉ là một cơn sốt nhẹ.
Rất dễ nhầm lẫn
Cháu bé 3 tuổi ở Tiền Giang chỉ sốt nhẹ trong ngày đầu khởi bệnh, thế nhưng qua ngày thứ 2, bé đột nhiên nôn ói nhiều, lừ đừ. Cháu bé được đưa vào BV địa phương nhưng bệnh tình nặng lên nhanh chóng, trái tim ngày một yếu đi, các bác sĩ (BS) phải cho thuốc vận mạch, thở ôxy rồi tức tốc chuyển lên TP HCM.
Hóa ra cháu bé bị viêm cơ tim tối cấp. Viêm cơ tim vốn đã nguy hiểm, viêm cơ tim tối cấp trước đây tỉ lệ tử vong gần như là 100%. Các BS của BV Nhi Đồng 1 đã vận dụng kỹ thuật cao là tim phổi nhân tạo (ECMO), cùng với cuộc can thiệp mạch máu ngay tại phòng cấp cứu mới kịp cứu cháu bé. "Chỉ cần vào viện trễ từ 5-10 phút nữa là đã không thể cứu được cháu" - PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, một trong những người đã điều trị cho cháu bé, cho biết.
Theo BS Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu của BV Nhi Đồng 1, người chủ trì ca hội chẩn này và nhiều ca viêm cơ tim khác trước đây, đặc điểm của viêm cơ tim là bệnh nguy hiểm nhưng biểu hiện ban đầu thường là một cơn sốt nhẹ. Vì vậy rất dễ lầm lẫn với một cơn sốt do siêu vi, cảm lạnh thông thường. Khác biệt duy nhất là 1-2 ngày sau, trẻ bị sốt siêu vi khi hạ sốt thì sẽ khỏe hơn, chơi đùa, còn bé viêm cơ tim sẽ càng mệt mỏi hơn, lừ đừ, hay nôn ói. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thấy con bớt sốt nhưng mệt hơn thì nên đưa bé đến BV kiểm tra gấp.
Biểu hiện không rõ ràng
Vài ngày sau khi được can thiệp nội mạch (đặt stent), bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1959, nhà ở quận Thủ Đức, TP HCM) vui vẻ nói với BS là mình đã khỏe. Ít ai biết trước đó bà đã phải trải qua khoảnh khắc sinh tử đầy hy hữu: sau 1 tuần đau bụng, nhập viện thì được các BS của BV Thống Nhất (TP HCM) phát hiện túi phình giả - vỡ động mạch chậu trung bên trái, một tình trạng đe dọa tính mạng khẩn cấp. Rất may các BS đã nhanh chóng đặt stent và cứu nữ bệnh nhân, cho dù bà có rất nhiều bệnh nền kèm theo.
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Tân, phụ trách Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, BV Thống Nhất, các biểu hiện ban đầu của nữ bệnh nhân này rất dễ lầm tưởng với các căn bệnh thông thường khác: bà chỉ bị đau bụng, ban đầu đau ít, sau đau nhiều hơn. "Tôi đã từng gặp rất nhiều ca túi phình động mạch có biểu hiện không rõ ràng như thế, chỉ là đau bụng, đau lưng âm ỉ. Khi bắt đầu thấy đau là có khi động mạch đã vỡ, đe dọa tính mạng rồi. Do triệu chứng ban đầu chỉ là đau bụng, đau lưng nên nhiều người thấy vậy đã tự mua thuốc về uống, hết thuốc tiêu chảy đến thuốc đau dạ dày, hay tìm cách xoa bóp chỗ lưng bị đau…" - BS Duy Tân cảnh báo.
Túi phình dạng này cũng có thể xảy ra ở mạch máu não và gây đột quỵ do xuất huyết não. Nó cũng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Có thể phát hiện ra vấn đề này khi siêu âm và chụp CT để chẩn đoán xác định.
Còn một vấn đề nguy hiểm khác có thể xảy ra với động mạch là hiện tượng tắc mạch do xơ vữa động mạch lâu ngày, lòng động mạch bị hẹp, gặp huyết khối… Điều này sẽ dẫn đến dạng đột quỵ khác là đột quỵ do nhồi máu não. "Đôi khi người bị nhồi máu não chỉ được cảnh báo bằng một cơn nhức đầu" - BS Duy Tân cho biết.
Theo BS Duy Tân, cho dù cơn nhức đầu, đau bụng, đau lưng… có vẻ chỉ là "chuyện nhỏ", nhưng nếu uống các thuốc giảm đau thông thường mà không hết thì không thể coi thường. Lúc đó, nên nhanh chóng vào BV khám, tốt nhất nên vào BV lớn để được tầm soát chuyên khoa tim và mạch máu. Đừng quên nói rõ với BS những triệu chứng mình gặp phải, đừng nghĩ một chút đau đầu, đau bụng là không quan trọng!
Những bệnh có biểu hiện không rõ ràng vừa nói trên, tất nhiên người cao tuổi, có bệnh nền là nguy cơ cao nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra ở người trẻ, vì thế không nên chủ quan. Để giảm nguy cơ, cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều trái cây để giữ trái tim và hệ mạch máu được khỏe mạnh.