Trung bình mỗi ngày người trưởng thành nên bổ sung 35-40 ml/kg cân nặng, song từng đối tượng sẽ có những khuyến nghị riêng.
Ngày 8/5, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết trong những ngày mùa hè nóng bức, nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể sẽ bị mất nước qua da (tăng tiết mồ hôi) và qua phổi (tăng nhịp thở).
Lượng mồ hôi bài tiết để điều hòa thân nhiệt rất lớn, khoảng 2-3 lít/giờ, có thể 3-3,5 lít/giờ, gây ra những rối loạn do thiếu nước. Ngoài ra, một người trưởng thành mỗi ngày bài tiết 1-1,5 lít nước tiểu, nước thấm qua da (không phải là mồ hôi) 450 ml, 250-350 ml qua khí thở.
Việc uống nước đúng cách không chỉ giải nhiệt mà còn tăng sức đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh trong tiết trời oi bức. Vậy một người nên uống bao nhiêu nước? Lượng nước bổ sung tùy theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, sinh lý. Đặc biệt, từng đối tượng sẽ có những khuyến nghị riêng.
Với trẻ vị thành niên (10-18 tuổi), nhu cầu nước là 40ml/kg; 19-30 tuổi hoạt động thể lực nặng, nhu cầu nước là 40ml/kg; từ 30 đến 55 tuổi - hoạt động thể lực nhiều - nhu cầu nước là 35ml/kg; người trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30ml/kg.
Ở trẻ nặng 1-10 kg, nhu cầu nước là 100 ml/kg; trẻ 11-20 kg nhu cầu nước tối thiểu là 1.000 ml; trẻ em từ 21 kg trở lên nhu cầu nước tối thiểu là 1.500 ml. Nước có thể bổ sung qua đường uống và thực phẩm.
Cơ thể mất nước là tình trạng lượng nước nạp vào ít hơn lượng nước thải ra, phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất cũng như lượng đường trong máu, cản trở các hoạt động bình thường. Một số biến chứng nguy hiểm của mất nước bao gồm: Phù não, động kinh, sốc, suy thận cấp, hôn mê và tử vong.
Dấu hiệu nhận biết là khát nước; chóng mặt, choáng váng; đánh trống ngực; tiểu ít; khô miệng; nước tiểu có màu vàng đậm và đặc; yếu cơ; da khô.
Ngược lại, việc nạp quá nhiều nước cũng dẫn đến tình trạng thừa nước trong cơ thể, gây nguy hiểm không kém so với tình trạng mất nước. Triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn, có cảm giác no và đầy bụng, đau đầu, cảm thấy các cơ yếu dần đi, có thể bị chuột rút hoặc đau nhức, co giật, bất tỉnh.
Để đảm bảo sức khỏe, đơn giản nhất chỉ cần uống nước đun sôi để nguội, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường. Nhiều người không thích uống nước lọc vì chúng không có hương vị, có thể thêm vài lát chanh, dâu tây, dưa chuột, lá bạc hà vào bình nước.
Các loại đồ uống mùa hè như nước dừa, chanh, sinh tố trái cây, vừa bổ sung nước lẫn vitamin. Bạn cũng có thể thêm một chút muối vào đồ uống sẽ giúp tăng hương vị và bổ sung chất điện giải bị mất qua đổ mồ hôi. Dưa hấu, cam, đào, dứa đều là những loại quả rất tốt cho sức khỏe, giàu vitamin C, giúp giữ ẩm.
Ngoài trái cây, các loại rau như bông cải xanh, bắp cải, rau bina rất lý tưởng để giải nhiệt, giúp da sáng đẹp. Sử dụng nước rau luộc hoặc canh trong bữa cơm cũng là cách bổ sung nước, vitamin và khoáng chất. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều đường khiến cơ thể thêm mất nước.
Khi uống nước, nên uống chậm và thành từng ngụm nhỏ để cơ thể kịp đáp ứng và dần dần đưa nước đều đến các cơ quan, giúp quá trình hấp thu được thuận lợi.
Nếu uống quá nhiều nước một lúc sẽ tăng gánh nặng cho tim, điều này nguy hiểm với những người vừa chạy hoặc làm việc nặng. Việc này cũng khiến mồ hôi đổ liên tục, dẫn đến cơ thể thiếu các chất điện giải như kali, natri, từ đó cảm giác khát lại càng tăng, chưa kể sẽ khiến bụng bị chướng, nấc cụt.
Thói quen chỉ uống nước khi khát và khi khát thì uống liên tục là không tốt vì khi cảm thấy khát là lúc cơ thể đã thiếu nước. Vì vậy, việc uống nước đầy đủ, thường xuyên ngay cả khi không khát sẽ giúp khỏe mạnh hơn.
Không nên uống nước quá lạnh bởi sẽ gây các bệnh về đường tiêu hóa (do nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) cũng như bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi. Ngoài ra, uống quá lạnh vào mùa nóng sẽ làm hạ nhiệt cơ thể, làm chậm lại quá trình trao đổi chất.
Nguồn: VnExpress