Chị Nguyễn Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Cách đây 2 năm, quanh mắt chị xuất hiện những đốm thịt nhỏ li ty. Ban đầu là quanh mắt, giờ những đốm thịt xuất hiện cả quanh vùng cổ. Trông rất mất thẩm mỹ. Cũng nghe mọi người chỉ cách dùng nước ép lá tía tô bôi lên mụn thịt sẽ rụng đi nhưng mình chưa dám thực hiện vì lỡ để lại sẹo trên mặt thì càng tệ hơn".
Theo chia sẻ của BS. Cao Xuân Ngọc, giảng viên lớp Laser thẩm mỹ, khoa Y dược, trường ĐH Quốc gia Hà Nội, mụn thịt hay còn gọi là mụn gạo. Nó có tên khoa học là u ống tuyến mồ hôi, có màu da hoặc nâu. Loại mụn này thường xuất hiện quanh vùng mắt hoặc có thể lan ra các vùng khác như trán, cổ, ngực và lưng. Ban đầu chúng thường rất nhỏ, sau đó mới to dần lên, dày cộm. Mụn có thể xuất hiện và tình trạng nặng hơn trong môi trường nhiệt độ cao hoặc điều kiện vệ sinh kém.
Nguyên nhân gây ra mụn thịt là do rối loạn chuyển hóa dưới da. Đó là sự giãn nở của ống bài tiết mồ hôi đã tạo nên mụn thịt. Điều này thường xuyên xảy ra với những người bị da dầu hoặc da lúc nào cũng tiết ra mồ hôi, khi gặp thời tiết nóng bức sẽ nổi rất nhiều mụn.
Mụn thịt còn có khả năng là do gen di truyền, hoặc là từ hệ thống collagen, nó giống như là một mạng lưới có chất keo kết nối lớp biểu bì để có thể tạo nên hình thái của da. Nếu như chất keo dư thừa thì nó sẽ gây nên những mụn cộm dưới da.
Mụn thịt khó có thể che đi hoặc làm mờ bởi những lớp phấn trang điểm và khiến cho gương mặt mất thẩm mỹ. Không chỉ làm cho khuôn mặt kém sắc, chúng còn khiến những người mắc phải trông già hơn, da dẻ khô ráp.
Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể uống hoặc bôi để điều trị mụn thịt. Người ta sẽ áp dụng các công nghệ thẩm mỹ tiên tiến để có thể hạn chế được mụn thịt. Ưu tiên số một vẫn là sử dụng phương pháp laser CO2.
Phương pháp laser CO2 là phương pháp phổ biến trong dịch vụ thẩm mỹ. Laser CO2 là một loại Laser khí phát tia với năng lượng từ vài W tới 35-40W tạo ra ánh sáng không nhìn thấy có bước sóng 10.600nm nên trong máy thường có thêm hệ thống Laser dẫn đường.
Dạng năng lượng này được nước hấp thu mạnh, giúp các tế bào mô da được bóc ra một cách dễ dàng. Nhờ vào cách thức đó mà nhân cồi của mụn thịt sẽ bị đốt cháy ở phía bên trong, ngăn chặn sự phát triển, lây lan. Đây là phương pháp khá an toàn để điều trị, tuy nhiên mụn thịt có thể tái phát lại sau một khoảng thời gian từ 1 -2 năm. Để trị dứt hoàn toàn có thể đốt từ 2 -3 lần thì sẽ khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không nặn, khều, bứt hay bôi bất kỳ loại kem trị mụn thịt nào. Những cách thức này khiến mụn mọc nhiều hơn, gây loét, nhiễm trùng, để lại sẹo và mất sắc tố da. Khi bị mụn thịt làm mất thẩm mỹ, chị em nên đến bác sĩ da liễu để chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng lây lan mụn, tổn thương da.